Ngày 22-11, tại hội trường Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, đã diễn ra chương trình ra mắt bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa. Đây là tác phẩm mới nhất của nhà văn Lại Văn Long sau các tiểu thuyết: Thạch Đế, Đứa con thời hậu chiến, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện...
Bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa dày 2.400 trang bao gồm 6 tập: Mật danh Đ9, Oán thù trớ trêu, Gia tộc tướng cướp, Phát súng chính nghĩa, Lật án tử hình và Hồng nhan sương khói.
Bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa" gồm 6 tập, được nhà văn Lại Văn Long viết trong 5 năm nhưng ý tưởng được ấp ủ và theo đuổi trong 30 năm
Tại chương trình ra mắt, bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings xác lập là Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam.
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, việc xác lập này như một sự ghi nhận thành quả lao động bền bỉ và nhẫn nại của nhà văn Lại Văn Long. Thế nhưng, quan trọng hơn, tác phẩm góp phần giúp công chúng nhìn lại một cách thấu đáo những vụ án từng chấn động dư luận tại TPHCM từ năm 1975 đến giai đoạn hội nhập quốc tế. Hồ sơ lửa cũng đã góp phần tái hiện hình ảnh của lực lượng công an TPHCM trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa chúc mừng nhà văn Lại Văn Long
“Nhà văn Lại Văn Long phát huy thế mạnh nhiều năm làm báo ngành công an để có được nguồn tư liệu đầy đặn cho Hồ sơ lửa. Tuy nhiên, từ thông tin của lực lượng công an đến tiểu thuyết hình sự là một khoảng cách không đơn giản. Những nhân vật ngoài đời bước vào Hồ sơ lửa đã có một diện mạo khác, với những yêu ghét đậm nét hơn”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings xác lập Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam cho bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa"
Nhà văn Trần Thanh Hà, Phó trưởng đại diện Cục Truyền thông CAND tại TPHCM, phụ trách Chi nhánh NXB Công an nhân dân, một trong hai người biên tập cho bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa, cho rằng, bộ tiểu thuyết của nhà văn Lại Văn Long được viết theo thể loại hình sự vụ án với kết cấu giống với tiểu thuyết seri của phương Tây. Mỗi một tác phẩm là một vụ án độc lập nhưng giữa các tác phẩm có mối liên quan với nhau, có những câu chuyện đan cài từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Có những nhân vật mà như tiểu thuyết phương Tây gọi là nhân vật điều tra, thì trong tác phẩm của nhà văn Lại Văn Long, nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ tiểu thuyết này là Phòng cảnh sát hình sự Công an TPHCM. Họ làm nhiệm vụ kết nối câu chuyện từ cuốn thứ nhất cho đến cuốn cuối cùng.
Nhà văn Trần Thanh Hà là một trong hai người biên tập cho bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa"
“Với cách viết này, bạn đọc có thể đọc theo nhiều cách khác nhau, có thể đọc từng cuốn một nhưng cũng có thể đọc liên tục bộ sách và sẽ có sự kết nối của riêng mình trong quá trình đọc”, nhà văn Trần Thanh Hà nhận định.
Nhà văn Lại Văn Long (áo trắng) tại chương trình ra mắt bộ tiểu thuyết hình sự "Hồ sơ lửa"
Nhà văn Lại Văn Long mất 5 năm để viết bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa nhưng ý tưởng về một bộ tiểu thuyết hình sự được anh ấp ủ và đeo đuổi trong 30 năm. Trước khi được in thành bộ, vào năm 2017, NXB Công an nhân dân đã xuất bản Mật danh Đ9, sau đó tác phẩm được trao giải thưởng Cây bút vàng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam. Còn tác phẩm Gia tộc tướng cướp, đoạt giải C cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài Vì bình yên cuộc sống 2017-2020.