Trong số đó, các nhóm ủng hộ tư tưởng phát xít, chống người nhập cư, chống Hồi giáo đã tiếp tục tăng trong năm ngoái sau khi có dấu hiệu gia tăng trong vài năm gần đây, phản ánh hiện tượng đáng báo động trong một xã hội đa chủng tộc như nước Mỹ.
Nguy hiểm hơn, số lượng các tổ chức thù ghét ở Mỹ gia tăng trong bối cảnh xuất hiện thêm hàng loạt các trang web ẩn danh mang tư tưởng tương tự.
Bà Heidi Beirich, giám đốc Dự án Thông minh của Trung tâm Southern Poverty Law, cho rằng thái độ của giới chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump, về các chính sách chống người nhập cư gây tranh cãi đã phần nào làm thỏa mãn các tổ chức cực hữu ủng hộ tư tưởng người da trắng là ưu việt.
Vào tháng 8 năm ngoái, ông Donald Trump bị chỉ trích vì nói rằng cả 2 phía đều chịu trách nhiệm về bạo động tại một cuộc biểu tình của những người xem da trắng là ưu việt ở Charlottesville, Virginia. Trước đó, ông Donald Trump cũng bị lên án về một loạt các nhận xét chống di dân và chống người Hồi giáo.
Sau tuyên bố ở Charlottesville, dư luận cho rằng Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng nhanh chóng của các nhóm mang tư tưởng thù ghét trong xã hội Mỹ.
Theo giới quan sát, Tổng thống Donald Trump bị lâm vào thế khó vì các thành phần cực hữu là giới đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử. Cũng chính vì lý do này mà giới cực hữu đã ngầm hiểu rằng họ nhận được sự ủng hộ từ giới cầm quyền với tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm lấy lại đất nước của chúng tôi”.
Theo cuộc khảo sát mới do hãng thông tấn AP phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu NORC thuộc Đại học Chicago thực hiện, Tổng thống Donald Trump được nhìn nhận là một người có tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Đây là ý kiến của hơn phân nửa người dân Mỹ, gồm phần lớn người gốc Phi và gốc Latinh. Hơn 50% người tham gia khảo sát nhận xét các chính sách của ông Trump đã làm cho tình trạng của người Hồi giáo và người gốc Latinh trở nên tệ hại hơn và gần phân nửa số người được hỏi tin là tình trạng của người Mỹ gốc Phi cũng bi đát hơn vì các đường lối của ông Donald Trump.
Những con số thống kê từ Southern Poverty Law cho thấy sự chia rẽ về vấn đề phân biệt chủng tộc đã khoét thêm hố sâu ngăn cách trong xã hội Mỹ, dù rằng đây vốn không còn là vấn đề mới ở nước này.
Soi vào lịch sử, từ nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Trước vụ bạo động ở Charlottesville là các vụ bạo động khác như: Charlotte, North Carolina, tháng 9-2016; Ferguson, Missouri tháng 8-2014 hay Cincinnati, Ohio, tháng 4-2001 và còn nhiều vụ bạo động diễn ra trong những năm trước đó.
Theo giới quan sát, con số thống kê của Southern Poverty Law cũng cho thấy một bức tranh khác của một nước Mỹ tuy luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng nhưng thực sự vẫn còn tồn tại xung đột gay gắt giữa các hệ phái tư tưởng dân tộc, chỉ cần có cơ hội là bùng phát thành những vụ xô xát đầy bạo lực. Trên hết, nó biểu hiện cho một thực tế rất đáng quan ngại là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang trên đà trỗi dậy ở nước Mỹ.