Hồ Kẻ Gỗ vốn mang tên của một làng Việt cổ ở xã Mỹ Duệ (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 20km về phía Tây - Nam. Hồ được xây dựng trên lưu vực sông Rào Cái, rộng gần 2.800ha, dài hơn 30km, gồm 1 đập chính và 3 đập phụ, 3 tràn xả lũ, với dung tích 345 triệu m³ nước, trải dài trên địa phận 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê.
Nước hội tụ từ hàng trăm sông, khe suối của dãy Trường Sơn đổ về, như: Rào Bưởi, Rào Pheo, Rào Trâm, Rào Trường, Khe Môn, Rào Cời, Rào Len, Rào Qéo...
Từ những năm đầu của thế kỷ 20, hồ Kẻ Gỗ đã được các nhà quy hoạch người Pháp thiết kế và thi công một số hạng mục, khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 và sau đó là chiến tranh Đông Dương bùng nổ thì bị bỏ dang dở. Cho đến ngày 26-3-1976, hồ được khởi công xây dựng, đến năm 1988 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nhiệm vụ của hồ là cung cấp nước tưới cho 21.136ha đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, chống lũ quét, xói mòn cho vùng hạ du, ngăn chặn lũ lụt của sông Rào Cái, cung cấp nước tưới phục vụ công nghiệp và sinh hoạt trong vùng với lưu lượng 1,6m³/s, là nguồn thủy điện có thể phát 2.100 KW/h với 3 tổ máy. Ngoài ra còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở khu vực miền Trung.
Bao quanh hồ có 11.811ha rừng tự nhiên, 261ha rừng trồng. Rừng ở đây có trên 40 họ, 300 loài thân gỗ và nhiều động vật quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam, như trĩ sao, vượn đen, gà lôi hồng tía, gà lôi lam mào đen, ngan cánh trắng, gấu, tê tê, sóc bay… Đây cũng là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonesia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya...
* * *
Dẫn đoàn làm phim ký sự “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” (do Báo SGGP và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện) đến ghi hình ở hồ Kẻ Gỗ, ông Võ Phương Lân, cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ cho biết, trong những năm 1965-1973, khi Mỹ leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc nước ta, nơi đây đã bị biến thành “tọa độ lửa”, “túi đựng bom”, “chảo lửa”… ngày đêm bị cày xới tan nát nhằm ngăn chặn triệt để sự chi viện của quân ta vào chiến trường miền Nam. Đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của ta mãi mãi nằm lại dưới lòng hồ này không tìm được thi thể.
Các cụ ông, cụ bà, từng chiến đấu ngay tại lòng hồ Kẻ Gỗ này còn nhớ như in những ngày tháng cùng nhau chiến đấu tại một phần con đường chiến lược 22, 21, sân bay dã chiến Libi, khu bệnh xá dã chiến, hào trú ẩn của bộ đội, xưởng rèn, đường bay, hố bom… mà những địa điểm đó giờ đây đã nằm dưới đáy hồ.
Ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ cho biết, năm 2011, trong một chuyến về tham quan hồ Kẻ Gỗ, đoàn cán bộ của Sở GTVT TPHCM khi nghe được những câu chuyện lịch sử kháng chiến diễn ra tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ, đã quyết định quyên góp kinh phí xây dựng một đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây, hiện công trình này được giao cho Ban quản lý KBT trực tiếp đảm nhận thi công (đền thờ nằm gần địa điểm sân bay dã chiến Libi cũ), dự kiến trong năm 2012 này sẽ chính thức hoàn thành…
Dương Quang