Hồ Dzếnh với bài thơ “Ngày ấy xuân về”

Hồ Dzếnh với bài thơ “Ngày ấy xuân về”

Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916 – 1991) tên khai sinh là Hà Triệu Anh, sinh tại xã Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa. Thân phụ ông là Hà Kiến Huấn gốc Hoa từ Quảng Đông di cư sang Việt Nam.

Hồ Dzếnh với bài thơ “Ngày ấy xuân về” ảnh 1

Ảnh: T.L.

Thuở nhỏ Hồ Dzếnh sống với cha mẹ ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa). Sau khi bố lấy vợ hai, ông sống với mẹ ở làng Đông Bích rồi thị xã Thanh Hóa và theo học trường Nhà chung.

Kháng chiến chống Pháp, Hồ Dzếnh về sống ở Thanh Hóa, sau hòa bình 1954 trở lại Hà Nội, Hồ Dzếnh vừa làm thơ vừa viết văn, nổi tiếng nhất là tập truyện ngắn “Chân trời cũ” (1942) và tập thơ “Quê ngoại” (1943).
 
Hai năm sau đại thắng mùa xuân lịch sử (30-4-1975), cảm kích trước hình ảnh một cô gái trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh đội mũ tai bèo chỉ đường cho bộ đội ta thẳng tiến đến dinh Độc Lập, ông viết bài thơ “Ngày ấy xuân về”.
 
Bài thơ viết theo thể thơ kể chuyện, tự nhiên và thanh thoát chứng tỏ lòng tác giả rất vui. Hình ảnh cô gái trẻ mới đẹp, mới kiêu hùng làm sao:
 
Khẩu súng trên vai vừa mới khoác
Tai bèo vành mũ gió rung rinh
Em vào tự vệ bao giờ thế
Mà dáng còn tươi nét nữ sinh
 
Và đây, thành phố Sài Gòn hôm ấy đã tràn ngập quân giải phóng với khí thế long trời lở đất:
 
Thênh thang xa lộ dài hun hút
Pháo lớn, tăng ta chiếm trọn đường
Thành phố rạng đông hừng trước mặt
Hãy còn lóng lánh triệu kim cương
 
Hình ảnh một đội quân cách mạng hào hùng vào giải phóng một thành phố đã có thời được coi là “hòn ngọc Viễn Đông” dưới ngọn bút tài hoa của nhà thơ mang hai dòng máu Hoa Việt hiện lên rất sinh động.
 
Rồi hai đoạn đối thoại bộ đội hỏi cô gái đường vào dinh Độc lập và cô gái trả lời là những đoạn tay nghề không giỏi sẽ viết rất khô khan nhưng với Hồ Dzếnh tài hoa, những đoạn đối thoại ấy đọc lên, thấy được niềm vui sướng của người hỏi và người trả lời trong một hạnh phúc lớn lao chan hòa:
 
Xin mời em bước lên xe pháo
Tay chỉ giùm nhau những nẻo đường
Em biết nơi nào hang rắn độc
Nơi nào sào huyệt lũ xâm lăng
Quên hỏi tên em, hỏi phố em
 
- Dạ Trương Minh Giảng, Nguyễn Trung Kiên 
 
Nhìn em pháo thủ cười tươi tắn:
Tên ngỡ con trai hóa gái hiền
 
Khổ thơ thứ hai, câu cuối cùng rất đáng chú ý: Tên ngỡ con trai hóa gái hiền. Câu nhận xét thật như đếm của anh bộ đội giải phóng “cười tươi tắn” ấy cho ta biết anh xuất thân công nông, chất phác, thật thà, nghĩ sao nói vậy, không biết màu mè, che giấu ý nghĩ thật của mình. Tên là Nguyễn Trung Kiên thì trăm người, chín chín người nghĩ là con trai!
 
Tất cả dường như có phép thần
Trăm năm khát vọng một ngày Xuân!
Chao ôi bông điệp xôn xao quá
Và cánh hoa mai nở trắng ngần.
Giải phóng đã qua hai độ Tết
Thơ mừng thống nhất chẵn hai năm
Em vào bộ đội bao giờ thế
Mà dáng còn nguyên nét trẻ măng?
 
Bài thơ không có gì đặc biệt về ý, tứ. Nó giản dị, mộc mạc nhưng động lòng. Hai mươi bảy năm sau ngày giải phóng Sài Gòn, đọc lại bài thơ vẫn thấy thích vì có hồn trong chữ của Hồ Dzếnh.

NGUYỄN BÙI VỢI

Tin cùng chuyên mục