Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, an toàn hồ, đập thủy lợi đang trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý tài nguyên nước của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3 nước. Những hồ chứa này đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và phục vụ các mục tiêu phát triển khác như phát điện, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, hệ thống hồ đập ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Hồ đập cũ kỹ, quản lý kém
Vấn đề cấp bách nhất là sự xuống cấp của nhiều công trình đã được xây dựng từ trên 30 năm trước, trong khi các yếu tố môi trường và khí hậu ngày càng biến động mạnh.
Theo ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, hiện nay, các hồ chứa không chỉ phải đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, mà còn phải đối mặt với yêu cầu đa mục tiêu, chẳng hạn như phát điện và bảo vệ môi trường. Điều này đặt ra bài toán cần phải điều chỉnh phương án vận hành sao cho phù hợp với thực tế.
“Trong vận hành các hồ chứa, mục tiêu quan trọng là phải cân bằng giữa tích nước để phát điện, tưới, cấp nước sinh hoạt với việc đảm bảo an toàn công trình”, ông Thành nêu vấn đề.
Một thách thức khác là mưa lũ bất thường và lũ quét do biến đổi khí hậu. Tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, đã chỉ ra rằng, để đảm bảo an toàn hồ đập, cần có cơ sở khoa học vững chắc và quy trình vận hành phù hợp.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Cần phải áp dụng những quy trình khoa học trong việc thu thập dữ liệu và dự báo để đảm bảo an toàn cho cả người dân và công trình thủy lợi”.
Thêm yếu tố quan trọng nữa là việc nâng cao năng lực quản lý và giám sát. Theo ông Thắng, đội ngũ cán bộ quản lý cần được đào tạo chuyên sâu về công tác quan trắc, phân tích số liệu và dự báo để phát hiện kịp thời các nguy cơ.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Để đảm bảo hiệu quả tối ưu cho cả sử dụng nước và an toàn hồ, đập, chúng ta cần tiến tới vận hành theo thời gian thực, nhưng để thực hiện được điều này, phải có một thể chế rõ ràng và cơ sở khoa học vững mạnh”.
Một trong vấn đề đáng lưu ý là sự quản lý các hồ, đập nhỏ - chiếm hơn 60% tổng số công trình thủy lợi trên toàn quốc. Theo ông Thắng, các hồ này thường giao cho cấp xã quản lý, nhưng thực tế việc vận hành tại cấp cơ sở thường không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ví dụ điển hình như hồ thủy điện Thác Bà, mặc dù là công trình lớn, nhưng vấn đề xả lũ và thiết kế của hồ này lại không còn phù hợp với sự thay đổi của khí hậu.
“Có lần đi thực địa, tôi thấy có cây mọc giữa lòng hồ, rõ ràng là việc quản lý ở đây có vấn đề”, ông Thắng kể lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn công trình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và an toàn cho người dân khu vực hạ du.
Giải pháp nào tháo gỡ
Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là cần một kế hoạch tổng thể, có sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc quản lý và giám sát các hồ đập nhỏ. Cùng với đó, cần có sự đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình để nâng cao năng lực xả lũ, đảm bảo an toàn cho người dân trong các tình huống thiên tai bất thường.
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, công tác quản lý Nhà nước về an toàn hồ đập đã được nâng cao trong thời gian qua, đặc biệt là trong công tác thông tin và cảnh báo sớm. Ông chia sẻ: “Vừa qua, ngành thủy lợi và cả nước đã trải qua cơn bão số 3. Nhờ sự chủ động thông báo thông tin cho chính quyền và người dân kịp thời, việc điều tiết lũ qua các công trình thủy điện, thủy lợi được đảm bảo, không để xảy ra thiệt hại về người”.
Ông cũng khẳng định, trong thời gian tới, Cục Thủy lợi sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các quy định hỗ trợ cho các hồ chứa nhỏ.
Trong khi các chuyên gia và lãnh đạo ngành thủy lợi đều khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển công nghệ, thì một vấn đề không thể thiếu chính là việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức và cộng đồng vào công tác bảo vệ và vận hành an toàn hồ đập.
Nhìn chung, việc đảm bảo an toàn cho các hồ, đập thủy lợi và thủy điện không chỉ là một yêu cầu về kỹ thuật mà còn liên quan chặt chẽ đến việc quản lý, giám sát và trách nhiệm cộng đồng. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng, chúng ta mới có thể đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, góp phần phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức của biến đổi khí hậu.