Do được xây dựng từ lâu, hiện hàng trăm hồ đập thủy lợi ở Tây Nguyên đã xuống cấp nghiêm trọng và nếu không được được sửa chữa kịp thời, những hồ đập này sẽ trở thành những quả “bom nước”, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.
“Bom nước” chờ… vỡ
Vào ngày 19-7 vừa qua, tường cánh tràn xả lũ đập Yang Kang Thượng (ở xã Yang Kang, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị vỡ, đe dọa đến sự an toàn của đập. Do mưa liên tục, lượng nước đổ về hồ lớn, nước đã thấm qua thân đập (bị rò rỉ trước đó) làm vỡ tường cánh tràn xả lũ. Con đập này có dung tích 420.000m3 nước, phục vụ tưới cho gần 50ha cà phê của người dân trong vùng. Trước đây, Yang Kang Thượng là đập đất, đến năm 2007 được lát mái, làm tràn bằng bêtông và do xã Yang Kang quản lý. Đầu năm 2015, đập được giao về Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý, khai thác. Theo người dân địa phương, không lâu sau khi được gia cố lại bằng bêtông, đập đã có những biểu hiện mất an toàn như xuất hiện nhiều vết nứt trên thân đập, tường tràn. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập Yang Kang Thượng, không những kéo theo vỡ đập Yang Kang Hạ mà mất luôn con đường độc đạo để đi vào rẫy, nơi có hơn chục ngàn hécta cây trồng của nhân dân trên địa bàn xã.
Hồ Ia Năng (ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) có dung tích 1,2 triệu mét khối nước để tưới cho 135ha cây trồng. Nhưng hiện thân đập bị lún, xuất hiện ổ mối trong thân đập, lòng hồ bị bồi lấp, tràn xả lũ bị xói lở hạ lưu, cống lấy nước bị hư hỏng, tràn xả lũ chảy tự do không có van điều tiết... Hạ lưu hồ là nơi trồng lúa, cà phê nên nếu xảy ra sự cố, hàng chục hécta cây trồng sẽ bị nhấn chìm trong nước. Ngoài hồ Ia Năng, còn có 21 công trình thủy lợi (gồm 8 hồ chứa và 13 đập dâng) khác do huyện này đầu tư quản lý. Trong đó, hồ làng Tốt (xã Ia Sao), làng Cúc (xã Ia O) có tuyến kênh đất thường xuyên bị sạt lở, bồi lắng.
Tại Lâm Đồng, đập Cam Ly Thượng (ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) có chiều dài 215m, cao 19m, sau nhiều năm sử dụng, đập đã xuất hiện các vết nứt gãy, mái thượng bị sụt gây thấm thân đập, nghiêm trọng nhất là tường cánh tràn bị gãy vỡ, ngửa ra ngoài. Còn đập Đạ Tô Tôn (ở thôn Đạ Pe, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cũng đã xuống cấp nghiêm trọng khi tràn xả lũ bị nứt gãy, làm nước chảy thành dòng lớn tại các khe nứt. Thân đập bị lún sụt, mái thượng xuất hiện nhiều lỗ hở hàm ếch, bể tiêu năng bị xói lở...
Điệp khúc “chờ vốn”
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, những công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng nhẹ, địa phương tự trích kinh phí sửa chữa. Riêng 7 công trình thủy lợi lớn bị hư hỏng nặng gồm: hồ chứa Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), hồ chứa Ia Ring và hồ Ia Tát (huyện Chư Sê), hồ buôn Lưới - Pleito Kôn (huyện Kbang), hồ Hà Tam (huyện Đắk Pơ), hồ Ia Năng - Làng Me (huyện Ia Grai) và hồ Ea Dreh (huyện Krông Pa), thì tỉnh đã đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ 287,8 tỷ đồng đầu tư, sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được bố trí vốn. Trong khi đó, tỉnh Kon Tum có hơn 524 công trình thủy lợi lớn nhỏ. Qua kiểm tra mới đây, tỉnh phát hiện một số đập đất nhỏ có vết nứt cũ, xói lở mái hạ lưu, đập bị biến dạng phần lát đá. Tình trạng lún và có vết nứt nhỏ xảy ra ở một số hồ. Một số hồ chứa hư hỏng nhẹ ở phần thân cống, dàn van đóng mở và hệ thống đóng mở gây rò rỉ nước. Nhiều hồ chứa xây dựng đã qua nhiều năm khai thác nhưng chưa có kinh phí nâng cấp nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ...
Tỉnh Lâm Đồng có 217 hồ chứa nước, với tổng dung tích gần 500 triệu mét khối, trong đó có 43 công trình bị hư hỏng. Nhiều hồ thủy lợi được xây dựng từ 20-30 năm trước và có quy mô nhỏ (dung tích chứa dưới 1 triệu mét khối) nên không có hồ sơ lưu trữ để quản lý, công tác theo dõi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; hồ đập được thi công đơn giản, đầm nén bằng máy ủi nên độ chặt kém. Các cụm công trình hồ chứa cũng không đồng bộ, hồ không có cống dưới đập để tháo cạn nước khi cần thiết (16 đập), tình trạng tràn bị gãy vỡ, thấm thân đập, mái đập bị sạt trượt... kéo dài nhưng chưa được sửa chữa. Nhiều công trình chưa cắm mốc chỉ giới nên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm trồng cây công nghiệp, đào đất bên vai làm hư hỏng thân đập.
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT đưa 30 hồ chứa nước vào dự án WB8 sử dụng nguồn vốn ODA để sửa chữa, nâng cấp với kinh phí khoảng 578 tỷ đồng. Trong đó 11 công trình đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng cần xử lý khẩn cấp như hồ Tân Rai, Đạ Tô Tông, Liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài, Đạ Sa... đã triển khai lập dự án nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí kinh phí để thực hiện.
Còn theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư 15.310 tỷ đồng nâng cấp, xây mới 353 công trình thủy lợi. Trong đó, vốn từ các nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA là 11.570 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 800 tỷ đồng và của các doanh nghiệp 2.940 tỷ đồng.
Tường cánh tràn xả lũ đập Yang Kang Thượng (ở xã Yang Kang, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị vỡ. Ảnh: Công Hoan
Nguy cơ cao, giải pháp tạm
Chính vì thiếu vốn để nâng cấp, sửa chữa nên cứ trước mùa mưa lũ, các địa phương lại phải triển khai các giải pháp mang tính tạm thời để tránh nguy cơ xảy ra sự cố. Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai, cho biết, vừa qua, hai đoàn liên ngành của tỉnh đã đến kiểm tra các công trình thủy lợi để đánh giá về mức độ an toàn cũng như công tác chuẩn bị trước mùa mưa lũ. Qua kiểm tra, đa phần đều đảm bảo an toàn. Riêng những công trình bị hư hỏng nhẹ, địa phương sẽ trích kinh phí tu sửa.
Tại Kon Tum, trong những ngày qua, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập vận hành liên hồ chứa thủy điện Ialy và Sê San. Ông Trần Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, cho biết, việc diễn tập hướng vào các tình huống ngoài tầm kiểm soát như xả lũ trong trường hợp khẩn cấp... Còn theo ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, đến mùa mưa, để tránh nguy cơ vỡ đập, những hồ không đảm bảo an toàn sẽ phải hạ thấp mực nước trữ trong hồ xuống dưới công suất thiết kế. Nhưng nếu an toàn qua mùa mưa lũ thì những hồ đó lại không tích đủ nước để phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân vào mùa khô.
Công Hoan - Võ Phúc - Đoàn Kiên