Ngày 23-2, UBND quận 3 (TPHCM) cho biết, Dự án cải tạo nâng cấp vỉa hè xung quanh Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa sẽ được khởi công trong dịp 30-4 và hoàn thành đưa vào sử dụng nhân dịp Quốc khánh 2-9.
Thêm không gian cho người đi bộ, trưng bày tác phẩm của các trường đại học
Dự án gồm các hạng mục chỉnh trang lát nền vỉa hè, cải tạo bó vỉa, duy trì cải tạo mảng xanh. Vật liệu sử dụng là đá granite với màu sắc và chi tiết lựa chọn để làm nổi bật ý tưởng phát triển từ không gian “bát giác”, màu sắc lan ra từ khu trung tâm về phía 4 trục đường. Các chi tiết trang trí cũng mang tính định hướng để dẫn dắt người tham gia đi từ không gian 4 khu chức năng tiến về khu trung tâm quảng trường.
Theo báo cáo thiết kế cải tạo cảnh quan, dự án tập trung nâng cấp, cải tạo chỉnh trang vỉa hè 4 tuyến phố và vỉa hè xung quanh Hồ Con Rùa. Tổng diện tích lát nền là hơn 19.500m2; trong đó, diện tích lát nền lòng đường là hơn 12.700m2, diện tích lát nền trung tâm là hơn 3.200m2 và hơn 3.500m2 diện tích lát nền 4 tuyến vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, vỉa hè đường Trần Cao Vân, vỉa hè đường Võ Văn Tần, vỉa hè vòng xoay Công trường Quốc tế.
Mỗi tuyến đường sẽ có một chức năng khác nhau như văn hóa, ẩm thực, giải trí, trình diễn, triển lãm ngoài trời.
Tuyến Phạm Ngọc Thạch (phía Nhà văn hóa Thanh niên) là trục trình diễn, tổ chức sự kiện, hoạt động nghệ thuật, biểu diễn.
Tuyến Phạm Ngọc Thạch (về phía đường Điện Biên Phủ) là trục giải trí gồm các gian hàng trò chơi cho trẻ em, thanh thiếu niên và các câu lạc bộ giao lưu.
Tuyến Võ Văn Tần là trục văn hóa – triển lãm, không gian khởi nghiệp, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm khoa học. Đặc biệt, sẽ trưng bày các tác phẩm của những trường đại học gần đó và là sân chơi sáng tạo thu hút người dân, du khách. Ý tưởng các quầy trưng bày cũng sẽ được thực hiện bởi các sinh viên kiến trúc.
Dự án bố trí 3.200m hệ thống mái che chạy liên tục dọc trục vỉa hè, tạo không gian chức năng linh hoạt theo các khung giờ khác nhau.
Vào ngày thường, người dân được lưu thông cơ giới bình thường và cho phép tiếp cận từ 4 tuyến vào phía trung tâm Hồ Con Rùa. Dự kiến vào cuối tuần, sẽ có chợ đêm, chợ đồ cũ, đồ lưu niệm. Dịp lễ hội sẽ có các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật quy mô lớn.
Nếu như ngày thường, không gian hoạt động chủ yếu trên vỉa hè thì cuối tuần, các hoạt động sẽ tổ chức trên vỉa hè và khai thác hoạt động dưới lòng đường. Dịp lễ hội sẽ khai thác không gian lòng đường đoạn Phạm Ngọc Thạch hướng về Nhà văn hóa Thanh Niên để tổ chức sự kiện và không gian 4 trục, vỉa hè có thể khai thác làm khu vực hậu cần, kỹ thuật.
Toàn bộ khu vực Hồ Con Rùa có sức chứa từ 19.700-63.100 người.
Tăng cây xanh, ấn tượng nghệ thuật chiếu sáng
UBND quận 3 cũng đang xin ý kiến các sở ngành liên quan thực hiện khu vực trung tâm - lõi không gian chính Hồ Con Rùa là các hoạt động giao lưu văn hóa, gặp gỡ, trò chuyện. Dự kiến, phần cây xanh và mảng xanh có tổng diện tích hơn 2.900m2. Trong đó, mảng xanh hiện hữu là 678m2, diện tích mảng xanh mở rộng là hơn 2.200m2.
Khu vực này có hệ thống cây xanh gồm 136 cổ thụ, toàn bộ là cây cao tán rộng và che hầu hết ánh sáng của hệ thống cây bụi bên dưới. Để duy trì mảng xanh dưới thấp, thực vật thích hợp được chọn chủ yếu là cỏ.
Tuy nhiên, tùy theo mùa và chủ đề của lễ hội, các mảng xanh dưới thấp sẽ được trang trí và điểm xuyết các loại hoa phù hợp. Để tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan, các cây cao sẽ được mặc áo, thay đổi theo mùa bằng các phụ liệu trang trí hoặc được vẽ bằng các loại chất liệu thân thiện với môi trường mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cây.
Cùng với đó, hệ thống bồn cây kết hợp ghế ngồi được bố trí dọc các trục đường, hình thức thiết kế thẩm mỹ đa dạng và thân thiện môi trường. Từ 250 chỗ ngồi hiện hữu, khu vực này sẽ tăng lên 875 chỗ ngồi.
Hệ thống chiếu sáng được thiết kế ấn tượng, đa dạng phương thức (chiếu sáng mặt nước, artwork, trụ chiếu sáng đa năng…).
Kinh phí khoảng 50 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóaTheo khái toán sơ bộ, kinh phí cải tạo chỉnh trang vỉa hè là 45-50 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Dự án cải tạo nhằm đảm bảo không gian của các tuyến phố được thông thoáng, liên tục phục vụ nhu cầu đi bộ thoải mái cho người dân, tổ chức các hoạt động cộng đồng và tính bền vững lâu dài. |