Tham gia sáng kiến VCI có Mayo Clinic, Microsoft, Oracle và Salesforce. Nếu không muốn sử dụng điện thoại thông minh, bạn có thể nhận được giấy tờ có mã QR chứa thông tin đăng nhập có thể xác minh tương tự. Các công ty này cho biết, họ đang tìm cách cho ra mắt chứng nhận kỹ thuật số, hay còn được gọi là “hộ chiếu vaccine” được số hóa - một cách thức để hỗ trợ mọi người khôi phục trạng thái bình thường hóa đi làm, đi học, tham sự các sự kiện và đi du lịch.
Liên minh này sẽ nâng cấp các tiêu chuẩn những bản sao kỹ thuật số VCI để nó có thể được lưu trữ trong ví điện tử. Theo ông Paul Meyer thuộc The Commons Project Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận tham gia thực hiện sáng kiến), mục tiêu của sáng kiến là trao quyền cho các cá nhân tiếp cận hồ sơ tiêm chủng kỹ thuật số của họ. Ông bày tỏ mong muốn nỗ lực của liên minh sẽ hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức toàn cầu khác triển khai, mở rộng tiêu chuẩn toàn cầu về tương tác dữ liệu y tế.
VCI được công bố trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai trên toàn cầu, dự kiến trong suốt năm 2021. Đề xuất được đưa ra khi người dân ủng hộ việc sử dụng điện thoại thông minh để theo vết Covid-19, song cũng tồn tại những lo ngại công cụ này có thể được sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, hiện chưa có lịch trình về thời gian thực hiện VCI. Vì vậy, không rõ khi nào mọi người có thể thực sự thêm VCI vào ví điện tử.
Với những người đã nhận được thẻ giấy ghi chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 thì không rõ những hồ sơ đó sẽ chuyển sang tiêu chuẩn của VCI như thế nào. Phó chủ tịch điều hành các kinh doanh toàn cầu của Oracle, Mike Sicilia, cho rằng: “Quá trình thực hiện VCI cần phải làm sao để mọi người sử dụng dễ dàng như ngân hàng trực tuyến”.
VCI không phải là liên minh đầu tiên xem xét hồ sơ tiêm chủng Covid-19 kỹ thuật số. Những nỗ lực tương tự đang được một số quốc gia áp dụng với người nhập cảnh. Estonia và WHO đã phát triển chứng chỉ vaccine Covid-19 kỹ thuật số từ tháng 10-2020. Trên toàn cầu, đã có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh đối với người sử dụng lao động liên quan đến những chương trình tiêm chủng.
Các phương tiện truyền thông Anh trong vài ngày qua đã đưa tin rằng một công ty sản xuất ống nước ở London đang có kế hoạch đưa ra chính sách “không tiêm ngừa, không có việc làm”, yêu cầu toàn bộ lực lượng lao động của họ phải được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đối với những nhân viên không muốn tiêm ngừa, người sử dụng lao động có thể xem xét sắp xếp công việc thay thế, chẳng hạn như làm việc từ xa trong thời gian ngắn.
Trong những trường hợp ngoại lệ, người sử dụng lao động có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật, thậm chí có khả năng sa thải một nhân viên từ chối tiêm chủng. Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro về kiện tụng liên quan đến quá trình này và lựa chọn này chỉ nên được coi là phương án cuối cùng.