Quy trình là đúng luật
Tiếp tục chương trình phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu câu hỏi, việc một số quốc gia không chấp thuận hộ chiếu phổ thông mẫu mới, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp khắc phục thế nào.
Hồi đáp cho ĐB, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả chi tiết được in trên hộ chiếu được thực hiện theo đúng quy định của luật.
Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đều dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có 3 nước là Đức, Tây Ban Nha, CH Séc chưa chấp nhận. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc.
Người đứng đầu Bộ Công an khẳng định: “Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này, nên chúng tôi nhận trách nhiệm". Tuy nhiên, theo ông, quá trình thực hiện là đúng quy định pháp luật và đây chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Đối với việc một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước.
“Hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, cụ thể là bổ sung mục “nơi sinh” ở trang nhân thân hộ chiếu. |
Tín dụng đen có nhiều thủ đoạn hơn
ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu thực trạng vừa qua tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Có thực trạng bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên nhà, đất để thế chấp, cầm cố. Khi người đi vay không trả được nợ do lãi mẹ đẻ lãi con thì chúng sang nhượng nhà, đất đó cho người khác. Cơ quan chức năng khó trong thu thập chứng cứ xử lý. ĐB chất vấn: "Bộ Công an có giải pháp gì”?
Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận tội phạm tín dụng đen diễn biến rất phức tạp. Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế, đẩy lùi, nhưng các đối tượng đã lợi dụng cho vay qua internet, qua app, hoạt động với quy mô lớn và có sự tham gia của người nước ngoài. Quy mô của hoạt động tín dụng đen cũng rất lớn với hàng trăm nghìn khách hàng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thực tế, khách hàng chỉ nhận được 60% số tiền vay.
Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu vay tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn lớn, nhiều người khó khăn bị các đối tượng lợi dụng. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, tận dụng kẽ hở giữa hoạt động dân sự và hình sự để cho vay. "Đây là ranh giới rất phức tạp, nếu không thận trọng có thể hình sự hóa các quan hệ dân sự. Nếu không làm nghiêm thì lại bỏ lọt tội phạm”.
Bộ trưởng Công an cam kết sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen; phát huy sức mạnh các cấp, ngành để trấn áp; nâng cao ý thức, cảnh giác của người dân; phối hợp với ngân hàng để giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.