Hồ Chí Minh - Thăng Long - Hà Nội

Hồ Chí Minh - Thăng Long - Hà Nội

Như nhiều người miền Nam, tôi không được gặp Bác Hồ. Nhưng cũng như mọi người Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ đầy ắp trong tâm trí. Ngược dòng ký ức, năm tôi sáu, bảy tuổi gì đó, học trường tiểu học trong chiến khu kháng chiến chống Pháp, làng Tân Thiết bên sông Vàm Cỏ Tây - Đồng Tháp Mười. Bên kia sông có đơn vị bộ đội, tôi hay bơi xuồng sang chơi, sau này tôi mới biết đó là Phòng Văn nghệ Quân khu 8, có các anh nhạc sĩ Hoài Mai, Ngô Huỳnh…

Các anh in tập nhạc bằng bột nếp, tôi phụ giúp, được các anh cho một tập. Các anh cũng cho mượn cây đàn măng-đô-lin để tôi tập đàn. Bài đầu tiên là bài Sông Lô của Phạm Duy: la đố la la… Bài thứ hai là bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng… Tôi thuộc bài hát từ những năm đó, chắc sai nhiều, cả lời cả nhạc, nhưng sau này tôi vẫn hát như thế, cả trong chiến khu chống Mỹ tôi hát vẫn như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (1960)

Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (1960)

Cũng dạo đó ở phòng văn nghệ, nhân dịp lễ mít tinh nào đó, tôi phụ giúp các anh cắt những tấm hình Bác Hồ từ bản in lớn ra những tấm nhỏ, để người dự lễ đeo trên ngực áo. Tôi cắt hình suốt ngày, tối về hình ảnh Bác Hồ nở bung trong giấc mơ bé bỏng của tôi.

Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa hiểu gì về Bác Hồ, rằng đó là lãnh tụ lớn nhất, tài năng đức độ nhất, rằng Bác Hồ là người từng trải cả đời cống hiến, mà khi ta phải từng trải cả đời mới hiểu được. Ví như câu nói của Bác: Gầy dựng cách mạng như nhóm lửa, phải bắt đầu từ bên trong, xếp thành phần tích cực, dễ cháy từ bên trong… Câu nói giản dị ai cũng hiểu. Nhưng để hiểu sâu sắc, thật thấm thía, phải trải qua nhiều năm lăn lộn trong chiến trường cách mạng.

Tôi giữ mãi ký ức về bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh…”, về những tấm hình Bác Hồ, đó là ký ức đầu tiên đẹp đẽ trong tuổi thơ của tôi về Bác Hồ.

Cũng như nhiều người miền Nam, suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi chưa từng biết Hà Nội. Nhưng hình ảnh và tình yêu với Hà Nội thì đầy ắp, đủ cho tôi suy nghĩ, cảm mến, yêu thương đến tận đáy lòng. Tôi nhớ năm tôi mười ba, mười bốn tuổi, tập tành viết văn, viết đủ thứ. Có lần tôi viết cả về Hà Nội, cũng tả hồ Gươm thế này, cầu Thê Húc thế nọ… Là do tôi đọc truyện của Thạch Lam, Thế Lữ, thấy Lê Phong phóng viên suốt ngày lái xe rảo quanh Hà Nội, tôi tưởng tôi cũng rành Hà Nội như thế. Năm 1975 lần đầu tiên ra Hà Nội, Lưu Quang Vũ dẫn tôi đi dạo phố, chỉ tôi chiếc chậu Nguyễn Siêu dùng để đốt chữ nghĩa rơi vãi, tôi ngồi xuống rờ mãi, tưởng đã một lần rờ biết nó rồi.

Thủ đô của một đất nước, lãnh tụ của một dân tộc, hai hình ảnh đó gắn liền nhau. Đó là tinh thần của dân tộc, biểu trưng của dân tộc. Nguyễn Huệ - Thăng Long, Hồ Chí Minh - Hà Nội. Đời lãnh tụ thăng trầm theo vận nước, thủ đô cũng vậy. Năm nay 2010, 1.000 năm Thăng Long, 120 năm ngày sinh Bác Hồ. Sự trùng hợp của tự nhiên, nhưng cũng có ý nghĩa nào đó để ta suy nghĩ. Vai trò của cá nhân và lịch sử, ta đã học rồi, sách đã dạy rồi. Nhưng cứ nghĩ mà giật mình: vận nước như thế nào nếu ta không có Bác Hồ?

Trong chiến tranh chống Mỹ, không kể thời đen tối năm 1957-1958, thời sau Tết Mậu Thân năm 1968, những năm 1969-1970 cũng là thời vô cùng đen tối. Một bữa trốn chui nhủi dưới ven lá dừa nước, trực thăng địch rải đạn trên đầu, yên một chút anh em than vãn tình cảnh thắt ngặt. Bỗng có người nói: “Cũng còn hơn những năm ở hang Pắc Bó, bốn bên mù mịt mà Bác Hồ đã nhìn xa trông rộng như thế…”.

Tầm của lãnh tụ là tầm nhìn xa trông rộng, nhìn suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Năm 2010. 120 năm ngày sinh Bác Hồ. 1.000 năm Thăng Long. Ý nghĩa của những ngày đại lễ không phải là những nghi thức tiệc tùng múa lân đánh trống, mà là nén hương trầm đốt lên tưởng nhớ người xưa, những nghĩ suy về cội nguồn dân tộc.

Không lần nào đọc lại lịch sử mà không rơi nước mắt. Mỗi thời đại là một cuộc kháng chiến, một chương sử là một trận đánh. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử chống ngoại xâm. Chính vì phải trải qua chiến tranh liên miên mà dân tộc ta yêu hòa bình.

Nhà văn Nguyễn Tuân trong thời máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, một lần trong cuộc phỏng vấn, nói với viên phi công Mỹ bị bắt ở Hà Nội: “Mấy anh có để ý không, tên làng tên xã nước tôi thường bắt đầu bằng chữ Hòa hoặc Bình”.

Cứ mỗi lần xem lại phim Bác Hồ sang Paris năm 1946, người gầy yếu, dáng đi tất bật, lòng không khỏi dâng lên mối thương cảm kính yêu. Bác sắt thép như thế lại chịu khó đi lặn lội hòa giải tìm kiếm hòa bình như thế. Bác nói: “Dù phải đốt cháy dải Trường Sơn…”, Bác cũng nói: “Này Nixon ta hỏi ngươi…”.

1.000 năm thủ đô của đất nước, thành kính gởi về ngàn xưa một nén hương.

LÊ VĂN THẢO

Tin cùng chuyên mục