Theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây hoạt động sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi) trong lưu vực, đặc biệt là trong phạm vi hành lang bảo vệ lòng hồ chứa là nguồn tác động chính gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Đan Kia.
Cụ thể, hiện sản xuất nông nghiệp xung quanh lưu vực hồ với diện tích khoảng 1.700ha đã gây ô nhiễm từ phân bón hữu cơ, vô cơ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không được thu gom đúng quy định đã phát sinh ra môi trường và theo các dòng suối chảy về hồ Đan Kia.
Các hoạt động chăn nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa) trong lưu vực và chất thải động vật xuống hồ cũng là một nguồn ô nhiễm hữu cơ, làm suy giảm chất lượng hồ.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tự phát quanh hồ và nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý một phần từ TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đổ về lưu vực hồ Đan Kia.
Hoạt động san gạt đất trái phép, lấn chiếm đất, phù sa bồi đắp qua các mùa mưa lũ tăng nguy cơ xói mòn, rửa trôi đất làm thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) hầu như đều vượt 1,03 đến 3,5 lần mức cho phép.
Được biết, hiện nay Nhà máy nước Đan Kia và Nhà máy nước sạch Đan Kia 2 đang sử dụng nguồn nước từ hồ Đan Kia – Suối Vàng với tổng lưu lượng 55.000m3/ngày đêm, cung cấp toàn bộ nước sạch cho TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương).