* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, công tác phòng chống HIV/AIDS từ đầu năm 2021 đến nay đã đạt được những kết quả ra sao?
* TS HOÀNG ĐÌNH CẢNH, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: Trong năm 2021, toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố.
Cả nước có 478 cơ sở điều trị HIV, trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), hiện đang điều trị cho khoảng 161.000 người (hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT, chiếm khoảng 53%).
Chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cơ sở điều trị và đã điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. Đến hết tháng 10-2021, cũng có hơn 800 bệnh nhân tham gia điều trị Buprenorphine tại 8 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Mỗi năm, phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và có khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong. Ước tính có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống
Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm, nhưng riêng trong nhóm MSM (đồng giới nam) lại tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính đến nay, Việt Nam có số người biết tình trạng nhiễm HIV đạt 89%, số người được điều trị ARV đạt 76%, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%.
* Dịch Covid-19 đã tác động đến các hoạt động giám sát, xét nghiệm và hoạt động điều trị ra sao, thưa ông?
* Hoạt động giám sát, xét nghiệm bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình chung. Việc triển khai giám sát quản lý chất lượng xét nghiệm cũng bị chậm tiến độ do nhân lực của các đơn vị, phòng khám được điều động hỗ trợ xét nghiệm Covid-19. Việc gửi mẫu ngoại kiểm chậm so với yêu cầu do giãn cách. Công tác giám sát xét nghiệm chủ yếu thực hiện qua hỗ trợ trực tuyến.
Việc tiếp cận, duy trì điều trị cho người nhiễm HIV và người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) gặp khó khăn. Lý do là giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa nên nhiều người bệnh không thể đến các cơ sở điều trị để khám, lãnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ.
Bên cạnh đó, kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV đã lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình cư trú để điều trị, thậm chí là đến tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì điều trị ở những trường hợp này.
Người nhiễm HIV mắc Covid-19, đặc biệt là người điều trị thuốc ARV chưa ổn định, thì nguy cơ điều trị nội trú, nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn người không nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tình trạng các doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực. Điều này khiến người nhiễm HIV không thể tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV.
* Việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người nhiễm HIV, người sử dụng dịch vụ PrEP được triển khai như thế nào? Có điểm gì cần lưu ý về vaccine Covid-19 với những đối tượng này?
* Ngày 8-7, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3355 về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 năm 2021-2022. Theo đó, người nhiễm HIV thuộc đối tượng bệnh mạn tính được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Hiện, phần lớn người nhiễm HIV được tiêm chủng tại các điểm do sở y tế các tỉnh, thành phố tổ chức.
Riêng TPHCM đã huy động các cơ sở điều trị người nhiễm HIV tham gia sàng lọc và tiêm chủng cho người nhiễm HIV. Do người nhiễm HIV hiện đang được quản lý điều trị tại các cơ sở điều trị thuốc ARV, nên Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có các văn bản chỉ đạo về việc tư vấn tiêm chủng cho người nhiễm HIV, tăng cường sự tham gia của các cơ sở điều trị HIV/AIDS trong việc sàng lọc và tiêm chủng cho người nhiễm HIV.
Thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tăng cường tiêm chủng cho người nhiễm HIV. Điểm quan trọng nhất khi tiêm vaccine Covid-19 cho người nhiễm HIV là phải sàng lọc, phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội cấp tính. Các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính sẽ được trì hoãn tiêm chủng cho đến khi điều trị khỏi các bệnh này.
Một điểm cần lưu ý khác, người nhiễm HIV không phải khai báo về tình trạng nhiễm HIV của mình trước khi tiêm chủng nên không sợ lộ danh tính cũng như không sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 16-29 (46%) và 30-39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Cũng từ đầu năm 2021 tới nay, ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong. |