Trăn trở giữ hay bỏ nghề
Nằm trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM), làng lồng đèn Phú Bình hơn 60 năm tồn tại giữa lòng thành phố vẫn những chiếc đèn xanh, đỏ mỗi dịp Trung thu về. Không chỉ bỏ mối ở khu vực phố lồng đèn (đường Lương Nhữ Học, quận 5), lồng đèn còn được bán ra các khu chợ, điểm bán đồ chơi trẻ em trong thành phố và tùy theo đơn đặt hàng của khách. Nhưng mỗi năm mỗi vắng những ngôi nhà còn giữ được nghề làm lồng đèn và người còn theo nghề luôn canh cánh bên lòng câu chuyện đầu ra của chiếc lồng đèn truyền thống.
Cả nhà cùng xúm xít nhau phía trước hiên, đàn ông thì chuốt nan tre, gò khung tạo hình lồng đèn, còn phụ nữ dán giấy kiếng, vẽ màu. “Cả nhà ba, bốn người ngồi làm cả ngày cũng được hơn trăm cái, mà làm cầm chừng theo đơn hàng khách đặt thôi chứ không có nhiều như hồi xưa đâu”, vừa dán giấy kiếng cho chiếc đèn ngôi sao, chị Nguyễn Thị Thu (42 tuổi) theo nghề làm lồng đèn ngót nghét 20 năm chia sẻ.
Nói về chuyện làng lồng đèn nhộn nhịp, tất bật mỗi dịp Trung thu của nhiều năm trước, chị Nguyễn Thị Thu lại thở dài: “Bây giờ đâu còn được như xưa. Hồi trước, cả xóm nhà nào cũng làm, giờ còn được mấy nhà đâu. Nhiều năm liền, tụi tui làm quá trời lồng đèn nhưng không ai mua, tới Trung thu đèn chất đầy nhà. Hết trăng rằm phải đem bỏ bớt vì để lại chật nhà, khô keo, bám bụi, năm sau cũng chẳng bán được”.
Để làm ra chiếc lồng đèn truyền thống có khi phải chuẩn bị cả nửa năm trời, tre phơi cho đến độ dẻo vừa phải rồi chuốt thành từng nan mỏng để uốn ép, gò khung tạo hình lồng đèn. Sau đó dán giấy kiếng, rồi vẽ màu. Cái hay của nghề này là chỉ cần nhìn qua nét vẽ là có thể đoán được người làm nghề thành thạo tới đâu. Người làm lâu năm, có kinh nghiệm thì nét vẽ càng sắc sảo, có hồn, lồng đèn làm ra càng tinh xảo, may ra mới lọt vào mắt khách hàng. Vẽ lồng đèn không yêu cầu cao như vẽ tranh nhưng vụng về, nguệch ngoạc thì không thể ra được một chiếc lồng đèn đẹp. Nhất là khi xã hội càng phát triển, nhu cầu và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao.
Mỗi mùa Trung thu mới đến nhưng vẫn là một nỗi lo cũ, câu chuyện chiếc lồng đèn truyền thống thất thế trước những lồng đèn ngoại nhập, đã không còn xa lạ gì. “Có năm làm xong tới tận ngày rằm tháng tám mà không mối, lái nào tới lấy, nhiều gia đình không trụ nổi phải bỏ nghề luôn, kiếm nghề khác chí ít cũng sống bữa rau bữa cháo”, chị Nguyễn Thị Thu cho biết thêm.
Gần 30 năm theo nghề làm lồng đèn từ đời ông bà rồi cha mẹ để lại, gia đình cô Ánh Loan (48 tuổi) cũng chỉ làm cầm chừng, lai rai cho khách đặt. Nói về chiếc lồng đèn truyền thống với nan tre, giấy kiếng, cô Ánh Loan tâm sự: “Nghề làm lồng đèn là nghề truyền thống của gia đình, bỏ không nỡ mà làm thì cũng lo ế lắm. Mấy năm nay, khách cũng còn đặt hàng, tuy không nhiều như ngày xưa nhưng cũng mừng vì có cái làm để giữ nghề, giữ cái đèn truyền thống”. Chú Thanh Tú (50 tuổi), hơn 20 năm làm và bán lồng đèn tại làng lồng đèn Phú Bình chia sẻ: “Làm lồng đèn giấy kiếng để giữ truyền thống làng nghề nhưng tụi tui cũng phải làm thêm lồng đèn bằng nhựa, giấy màu, để khách chọn lựa. Chứ một kiểu đèn truyền thống thôi thì không cạnh tranh được, sống sao nổi”.
Vài năm trở lại, tuy giảm dần tình trạng lồng đèn chất đống phải đem bỏ sau mỗi dịp Trung thu vì thực tế số gia đình còn theo nghề ngày càng ít. Người làm lồng đèn cũng canh chừng số lượng và thay đổi nhiều kiểu dáng để phù hợp với thị hiếu khách hàng. Và khách đặt hàng dường như cũng bắt đầu có ý thức quay lại chọn chiếc đèn truyền thống giấy kiếng, nan tre hơn những loại đèn nhựa, giấy màu. “So với ngày trước thì không bằng rồi, nhưng khách vẫn còn mua kiểu đèn này, mình làm cũng thấy vu”, chú Thanh Tú cho biết thêm.
Phố lồng đèn chỉ để vui chơi
Tối 16-9, có mặt tại đây từ 19 giờ, chúng tôi đã gặp cảnh chen chúc tại những con đường bắc ngang đường Lương Nhữ Học. Trước mắt chúng tôi là cảnh chèo kéo của các điểm gửi xe vào phố lồng đèn. Nhiều người giữ xe ra hẳn giữa đường chèo kéo, không chỉ bát nháo mà còn khiến người đi đường “sống trong sợ hãi”. Kiếm được chỗ gửi xe, chúng tôi chen chúc thả bộ, đúng nghĩa của từ “chen chúc” bời lượng nam thanh nữ tú đổ về khu vực này rất đông.
Mỗi mùa Trung thu, phố lồng đèn (đường Lương Nhữ Học, quận 5, TPHCM) lại nhộn nhịp và rực rỡ với đủ các loại đèn bày bán hai bên đường. Đèn giấy kiếng truyền thống, đèn giấy xếp, đèn nhựa, đèn có nhạc… được bày bán đủ loại, đủ kiểu với giá từ 10.000 đồng đến khoảng trên 100.000 đồng/đèn. Người qua lại phố dập dìu nhưng người bán lại canh cánh một nỗi buồn hiu hắt bởi khách đến xem, chụp ảnh thì nhiều nhưng ít ai mua. “Có khách chỉ mua cái đèn nhỏ cho có vậy thôi, rồi đứng tạo dáng chụp hình là chính. Có bữa khách chụp cũng hơi lâu tôi phải ra nhắc”, cô L.T (ngụ quận 5) một người bán tại phố lồng đèn cho biết.
Theo lý giải từ bác Sơn (65 tuổi) một người bán tại phố lồng đèn, nhiều khách tới nhưng đa phần là mấy bạn trẻ, họ chủ yếu tới chơi rồi chụp hình chứ không có nhu cầu mua. Nếu ba mẹ dắt theo con nhỏ thì may ra có thể mua một, hai cái. Lượng khách từ chiều đến tối đổ về càng nhiều nên chật kín cả con đường, nếu mua lồng đèn rồi đi dạo thì cũng không cầm được đèn nguyên vẹn khi ra về vì đông người dễ va chạm đèn dễ bị móp, méo.
Hỏi một cặp bạn trẻ đang chụp selfie trước cửa hàng lồng đèn vừa truyền thống vừa hiện đại là có mua lồng đèn ủng hộ làng nghề hay không, một bạn trẻ trả lời hồn nhiên: “Phố lồng đèn là để chụp hình cho đẹp còn đăng mạng xã hội chớ mua làm chi ạ. Mà tụi nhỏ giờ có thích rước đèn nữa đâu mà mua”. Mà không chỉ cặp bạn trẻ này, rất nhiều nhóm bạn khác cũng không đến phố lồng đèn để mua đèn, mà chỉ để vui chơi.
Mấy ngày này, dạo quanh một vòng thành phố, thấy nhớ đến là Trung thu của mười mấy hai mươi năm trước. Hồi đó, có mỗi lồng đèn ông sao, lồng đèn kéo quân, hay dạng lồng đèn tự chế bằng lon sữa bò, lăn tới lui leng keng xóm nhỏ. Giờ kiếm đâu ra những chiếc lồng đèn từng là cả một bầu trời mơ ước của một thời con trẻ. Xóm nhỏ giờ cũng chẳng mấy trẻ rước đèn mà chủ yếu tham gia nhận quà hay chơi mấy trò chơi dân gian của khu phố tổ chức. Trung thu bây giờ là của người lớn, là chuyện “cho đi nhận lại” hộp bánh, thùng quà; Trung thu không còn là lễ rước đèn, là mâm phá cỗ của con trẻ…
Và mỗi mùa Trung thu về mang đến niềm vui cho trẻ nhỏ nhưng cũng không ít nỗi niềm trăn trở cho người lớn, nhất là những nghệ nhân theo nghề làm lồng đèn truyền thống. Chiếc lồng đèn giấy kiếng, nan tre liệu có thể đứng vững được trên thị trường nhiều mùa trăng sau nữa? Phố lồng đèn liệu có còn rực rỡ mỗi dịp Trung thu về, khi lượng đèn bán ra ít hơn lượng khách đến chơi?