Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trên sân khấu: Mãi mãi là điểm son

Năm 2024, sân khấu TPHCM ra mắt hàng loạt tác phẩm mới, trong đó có nhiều vở kịch cách mạng, thể hiện hình tượng đẹp về chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh những người lính anh dũng, kiên trung trong chiến tranh và thời bình được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng và thể hiện dung dị, phản ánh chân thực nhân cách, hành động, tình yêu dành cho quê hương, đất nước...

Một cảnh trong vở kịch Ngày ấy Cổng Trời
Một cảnh trong vở kịch Ngày ấy Cổng Trời

Tuổi trẻ anh dũng, kiên trung, bất khuất

Một điểm chung ở các vở diễn về hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ được tái hiện trên sân khấu TPHCM thời gian qua, là dù có những thủ pháp dàn dựng, phong cách biểu diễn khác nhau, nhưng điểm cốt lõi vẫn là luôn khắc họa sự anh dũng của các thế hệ chiến sĩ, dù trong thời chiến hay thời bình. Điều ấy được thể hiện rõ qua các vở: Ngày ấy cổng trời (tác giả: Nguyễn Kháng Chiến, đạo diễn: NSND Trịnh Kim Chi), Những cánh hoa trinh trắng (tác giả: Lê Chí Trung - Tạ Tuấn Minh, đạo diễn: NSƯT Hạnh Thúy), hay Khát vọng hòa bình (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

Nhiệt huyết tuổi thanh xuân của những chàng trai, cô gái du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những cán bộ hoạt động cách mạng, chiến sĩ hành quân ra chiến trường đã tôn vinh thêm sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm, tình yêu và khát vọng to lớn giải phóng dân tộc. NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Tôi thích thực hiện những vở kịch cách mạng, về người lính quân đội nhân dân, vì mong muốn giá trị của sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ ông cha sẽ được lan tỏa sâu rộng trong đời sống hôm nay, chạm đến cảm xúc khán giả, khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi người xem kịch, nhất là các bạn trẻ. Khi thực hiện, tôi cố gắng xây dựng vở kịch đậm chất truyền thống nhưng vẫn nhẹ nhàng, đi sâu khai thác đời sống tâm lý, cảm xúc nhân vật, từ đó chuyển tải gần gũi, chân thật nhất tinh thần của vở diễn”.

Trong số các vở khai thác đề tài người lính, vở Đồng chí (tác giả: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu - Quốc Thịnh) với cách khai thác hình ảnh người lính đan xen giữa quá khứ và hiện tại, thông qua các hình thức thể hiện mới bằng công nghệ hiện đại, đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ… Ở quá khứ, anh em đồng đội quyết sống chết bên nhau, không bỏ lại một ai; đến thời bình, họ tiếp tục sống đúng với phẩm chất người lính Cụ Hồ. Họ bước vào cuộc chiến mới, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; giữ gìn sự đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân...

Diễn viên Quốc Thịnh chia sẻ: Khi tham gia vai chính ông Trung trong Đồng chí, tôi đã tìm đọc rất nhiều sách, tư liệu về lịch sử cách mạng, xem các clip chiến trường xưa, các video về những cựu chiến binh... để có thêm cảm xúc cho vai diễn một người lính anh dũng, quả cảm trên chiến trường và là người cựu chiến binh nghiêm minh, chính trực trong thời bình; làm sao cho nhân vật thể hiện tạo được sự gần gũi, chân thực nhất.

Gìn giữ, phát huy hình tượng anh hùng

Hình ảnh chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sống trong lòng dân, kiên trung, anh dũng, ghi dấu biết bao chiến công hiển hách từ trong lịch sử đấu tranh cách mạng đến những thành tựu trong nhiệm vụ gìn giữ bình yên Tổ quốc hôm nay, đã luôn xuất hiện các sáng tác văn hóa nghệ thuật. Chủ đề này được chú trọng khai thác ở nhiều góc nhìn, sự cảm nhận, quan điểm nhân sinh và đã xuất hiện trong các tác phẩm thơ ca, hội họa, âm nhạc, phim ảnh, sân khấu, múa...

Với nghệ thuật sân khấu, hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ được xây dựng, thể hiện ở khoảng cách gần người xem, càng dễ tạo được sức hấp dẫn và những rung cảm đặc biệt với khán giả. Thông qua những hình ảnh sống động từ các tác phẩm, người xem có thể hình dung về những con người chính nghĩa, đại diện cho một dân tộc anh hùng, cho các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình...

Đánh giá về việc xây dựng hình ảnh người lính trên sân khấu TPHCM thời gian qua, NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: “Hình tượng chiến sĩ ta trên sân khấu đã được xây dựng từ những ngày đầu thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước đây, hình tượng về anh Bộ đội Cụ Hồ luôn nhìn về phía trước trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, hình tượng người lính có thêm góc nhìn về hậu phương, về gia đình, những vấn đề của thời đại và những mong ước về tương lai rộng lớn. Dù theo hướng nào, các tác phẩm đều bám sát đặc tính của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là tinh thần dũng cảm, hết lòng vì dân vì nước, sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc”. Nét chung về những người lính hôm nay trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, là sự khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ vững chí khí người lính, tính nhân văn của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời bình, những người cựu chiến binh có cuộc sống hết sức đơn giản, nhưng họ luôn là những người có tình cảm hết sức sâu sắc...

Bên cạnh đó, việc xây dựng các kịch bản về người lính thời gian qua cũng đã có sự thay đổi rõ rệt. Đã không còn cách xây dựng và ca ngợi hình tượng người lính một chiều, đơn điệu, đẩy các tình huống lên lạc quan thái quá, khiến các vở diễn trở nên cường điệu. Các vở diễn dù đôi lúc vẫn còn những chi tiết chưa hợp lý, hơi kiên cưỡng, nhưng nỗ lực miêu tả hình ảnh người lính một cách chân thực đang góp phần đưa các tác phẩm sân khấu chạm đến cảm xúc của người xem.

Tin cùng chuyên mục