Số hóa tài sản âm nhạc
Ngành công nghiệp âm nhạc không ngừng phát triển cùng những bước chuyển mình của công nghệ, chuyển đổi số. Khán giả tiếp cận âm nhạc, sở hữu các sản phẩm nghệ thuật tùy thời điểm. Hiện tại, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain (chuỗi khối, là một loại cơ sở dữ liệu, thông tin được lưu trữ trong các khối và liên kết với nhau), các nền tảng âm nhạc NFT ra đời thì sự gắn kết của nghệ sĩ và công chúng lại theo một cách rất khác. Họ ủng hộ bằng cách mua NFT của nghệ sĩ - được phát hành trên nền tảng blockchain, nơi cho phép nghệ sĩ chia sẻ quyền sở hữu âm nhạc và tác phẩm nghệ thuật của mình với người hâm mộ.
Nền tảng NFT phân phối quyền sở hữu, nhiều đặc quyền đến từ người hâm mộ, các nhà đầu tư cá nhân đam mê sưu tầm NFT. Nghệ sĩ tiếp cận, chia sẻ với công chúng không chỉ qua các đĩa vật lý, hình ảnh thực, audio, MV hay các buổi biểu diễn trực tiếp, hoạt động quảng bá, mà còn là sự kết nối, chia sẻ doanh thu nhạc số của tác phẩm âm nhạc. Đón đầu dòng chảy công nghệ NFT trong âm nhạc tại Việt Nam có rapper Binz, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Nhiều nghệ sĩ trẻ khác cũng rục rịch trước xu hướng này là rapper LK, Datmaniac, B Ray…
Tháng 3 năm nay, rapper Binz là nghệ sĩ Việt đầu tiên tung Bộ sưu tập Tuniver NFT Don’t break my heart phát hành trên sàn giao dịch NFT Binance. Người sở hữu NFT nhận được quyền ưu tiên tham gia vào các dự án NFT tương lai của Binz cũng như các nghệ sĩ khác trên nền tảng này. Đầu tháng 4, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tung dự án “Cổ phần hóa kênh YouTube Nguyễn Văn Chung Music theo công nghệ số NFT5”, chính thức trở thành nhạc sĩ đầu tiên ghi tên mình trên thị trường số hóa tài sản sáng tạo. Chỉ sau thời gian ngắn, giữa tháng 5, anh thông báo tất cả các NFT phát hành trong dự án đã bán hết. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết sẵn sàng công khai nguồn thu từ kênh YouTube, tác quyền âm nhạc, chia sẻ cơ hội đầu tư với người yêu nghệ thuật. Kênh YouTube của anh được xây dựng khoảng 4 năm, mang lại nguồn thu ổn định hàng tháng, hiện có hơn 256.000 người theo dõi. Kênh sẽ được định giá trị trong khoảng thời gian 5 năm, dựa trên dữ liệu nguồn thu hiện tại. Lợi nhuận sẽ được chia thành 2 phần, trong đó 1 phần được phát hành như cổ phiếu trên thị trường và mỗi tháng được chia sẻ cho khán giả tương ứng cổ phần họ sở hữu.
“Đây là xu hướng rất mới, lạ tại Việt Nam. Trên thế giới hiện đã có rất nhiều nghệ sĩ đã làm. Sau khi khảo sát, nhận định, đánh giá…, tôi thấy đây là phương pháp kết hợp rất có lợi cho việc quảng bá sản phẩm của nghệ sĩ cũng như kêu gọi đầu tư từ công chúng yêu âm nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định.
Tính pháp lý chưa cao
Vũ trụ ảo (Metaverse) hay tài sản kỹ thuật số NFT là những khái niệm không dễ hiểu, nhưng đang từng bước trở thành xu hướng trong quá trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Hai năm trở lại đây, mã hóa tác phẩm hội họa thành mã NFT được một số họa sĩ tham gia. Trong năm 2021, trên sàn giao dịch Binance NFT, hai họa sĩ Phong Lương và Tú Na có tranh giao dịch thành công ở mức 3.000USD và 5.000USD. Dù vậy, số lượng họa sĩ trong nước tham gia vào NFT vẫn chưa nhiều, chủ yếu là các họa sĩ trẻ hoạt động trong lĩnh vực digital art hoặc đồ họa.
Tuy nhiên, tính pháp lý và độ an toàn cho những giao dịch tác phẩm nghệ thuật NFT trong nước vẫn chưa cao, nhiều nhà sưu tập hiện nay chỉ dừng ở mức tham khảo thị trường hoặc mua để đó. Điển hình như câu chuyện họa sĩ Tèo Phạm từng bị một người bạn trên mạng xã hội “chôm” hình ảnh tác phẩm được anh chia sẻ lên trang cá nhân, đúc thành mã NFT và bán thành công với giá gần 1.000USD.
Về việc số hóa tài sản sáng tạo nghệ thuật hiện nay có vướng mắc gì không, theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, điều này tùy thuộc vào việc sản phẩm đó là gì, như thế nào. “Tôi nghĩ số hóa tài khoản YouTube thì minh bạch, rõ ràng, có thể kiểm tra, kiểm soát, công khai cho tất cả những người đầu tư vào nghệ sĩ. Như dự án của tôi có thể chia sẻ doanh thu hàng tháng cho khán giả đầu tư. Mọi người có thể thấy, đây là một cách đầu tư hợp tác kinh doanh bình đẳng và lâu dài. Nghệ sĩ không thể thiếu khán giả, và nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính thiết thực từ khán giả tin tưởng mình thì quá tốt. Bản thân tôi thấy cần thiết có sự chung tay ủng hộ của khán giả trong việc thực hiện các sản phẩm âm nhạc mới”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Chuyển đổi số trở thành vấn đề được quan tâm trên nhiều lĩnh vực, văn hóa - nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong câu chuyện khai thác đường dài, yếu tố pháp lý, bảo vệ quyền lợi nhà sưu tập và nghệ sĩ cần được chú trọng bên cạnh sự phát triển và ứng dụng công nghệ.
Số liệu khảo sát trong năm 2021 từ trang tin tài chính Finder cho biết, Việt Nam nằm ở nhóm có tỷ lệ sở hữu nhiều tài sản NFT nhất trong 20 quốc gia được khảo sát. Tốp 5 nền kinh tế sở hữu nhiều NFT nhất bao gồm Philippines (32%), Thái Lan (26,6%), Malaysia (23,9%), UAE (23,4%) và Việt Nam (17,4%). |