Đó là các tụ điểm công cộng ở TPHCM tổ chức sự kiện văn hóa, lễ hội, thế nhưng điều rất đáng tiếc là có nhiều người đến đây lại xả rác bừa bãi. Có người cho rằng bởi thiếu thùng rác hay thùng rác đã đầy, muốn tìm đến chỗ có thùng rác cũng khó, nên đành phải xả rác.
Đó chỉ là sự bao biện. Người có văn hóa ứng xử thì không bao giờ xả rác nơi công cộng, nếu không thấy thùng rác thì cũng chịu khó giữ lại giấy gói, bao cho đến khi tìm được thùng rác để bỏ vào.
Thực tế ở nước ta có không ít người sống tùy tiện, ích kỷ, chỉ lo miễn sao nhà mình sạch, mọi thứ rác cứ thải ra khỏi nhà, không cần biết ảnh hưởng xấu đến môi trường và cộng đồng.
Là người làm công trình xây dựng cầu đường, nhiều lúc tôi thấy buồn xen lẫn bức xúc khi chứng kiến có những người bán quán ăn quét rác ra đường, thậm chí đổ trực tiếp những thùng thức ăn thừa xuống hố ga thoát nước. Lên tiếng nhắc nhở còn bị họ cự nự, cho rằng rác đổ ra đường hay xuống hố ga thì sẽ có người dọn.
Có người xả rác thì cũng có người dọn dẹp, song mọi người cần ý thức rằng hành vi xả rác ra đường gây ảnh hưởng môi trường sống, xả rác xuống hố ga sẽ làm bít đường cống thoát nước và gây ngập.
Nên nghĩ đến những công nhân vệ sinh vất vả đi quét và lượm từng bịch rác trên đường, những công nhân thoát nước đô thị phải gian khổ chui xuống hố ga thoát nước và chui trong lòng cống để nạo vét rác thải, mà hành xử đúng mực.
Tôi chứng kiến trong chuyến du lịch đến Bangkok (Thái Lan), một anh trong đoàn vứt tàn thuốc trên lối đi, liền bị một người bản địa nhắc nhở và hướng dẫn bỏ vào thùng rác cách đó 3m.
Lúc đoàn chúng tôi chờ xe buýt, một cháu trai khoảng 10 tuổi ăn bánh xong rồi vứt bao ni lông xuống đường, một người bản địa đứng cạnh liền nhắc nhở bằng tiếng Anh, rồi tự nhặt bao ni lông đó bỏ vào thùng rác. Có thể thấy cư dân ở đó không làm ngơ, không thỏa hiệp với những hành vi lệch chuẩn nơi công cộng.
Chỉ vài tình huống bị nhắc nhở, mọi người trong đoàn đều thấy ngại ngùng, hiểu rằng mỗi hành vi của mình luôn có người giám sát. Ở các nước phát triển, hành vi xả rác nơi công cộng là điều bất thường, kém văn hóa, thậm chí phải bị xử lý nghiêm khắc, vậy mà ở nước ta lại là điều bình thường, cho dù luật pháp cũng có quy định xử phạt hành chính. Vì ở nước ta chẳng ai bị phạt khi vi phạm, ít ai phản ứng nhắc nhở khi thấy người khác xả rác, lâu dần thành quen.
Cần phải phạt nghiêm hành vi xả rác bừa bãi. Những người thi hành công vụ giữ trật tự và môi trường đô thị phải giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm. Cả cộng đồng cùng giám sát, cùng tham gia nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn, xả rác bừa bãi nơi công cộng. Một người mạnh dạn lên tiếng, nhiều người khác sẽ hưởng ứng, thì người xả rác phải biết xấu hổ bởi hành vi đáng bị phê phán, rồi dần hình thành ý thức và thói quen không xả rác.