Với tổng kinh phí hơn 127 tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước hơn 62 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng), đề án có mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong khu vực và cả nước; đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo đề án, đến năm 2025, đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt 11-13% tổng diện tích đất nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 1%-2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ từ 0,2-0,5% tổng sản phẩm chăn nuôi bò. Đề án cũng đặt mục tiêu sản xuất hữu cơ của tỉnh Bến Tre đến năm 2030 đạt 30.000ha; bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS giai đoạn 2022-2025 đạt 50ha, đến năm 2030 đạt 200ha…
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre ưu tiên chọn những giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định. Song song đó, sẽ xây dựng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ tại vùng sản xuất tập trung, tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với sản phẩm chủ lực.