Thời gian qua, trên cả nước, tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, cá biệt xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. Trong đó, nhiều trường hợp nạn nhân thuộc đối tượng học sinh, sinh viên hoặc trong lứa tuổi học sinh, sinh viên do chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cần thiết dẫn đến không thể tự thoát nạn, xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông xảy ra dẫn đến hậu quả thương tâm.
Tại Đà Nẵng, tuy tình hình đang được kiểm soát, kéo giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Thực tế, địa phương cũng đã xảy ra một số vụ cháy, tai nạn giao thông gây thiệt hại về người, mà trong đó nạn nhân là đối tượng học sinh, sinh viên hoặc trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Hiện nay, Công an TP Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước chủ động biên soạn Bộ Tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giảng dạy các kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và trật tự, an toàn giao thông cụ thể cho từng bậc học, cấp học từ mầm non đến đại học.
Đồng thời, tổ chức 9 lớp tập huấn, hướng dẫn lực lượng giáo viên, cán bộ, công nhân viên tại 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn xây dựng lực lượng nòng cốt đảm bảo việc triển khai lồng ghép tuyên truyền, giảng dạy kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục. Lực lượng này được thực hiện thường xuyên, liên tục ngay từ năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo.
Đề cập đến việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, theo ông Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã triển đã triển khai quyết liệt nhất là ngay từ đầu năm. Sở có những kế hoạch phát động tuyên truyền về kiến thức an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở giáo dục một cách thường xuyên, liên tục.
“Số lượng học sinh, giáo viên của ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng hơn 320.000 người; lực lượng Đại học Đà Nẵng với khoảng 60.000 nhân viên, chưa kể số lượng sinh viên của các trường đại học khác... nên lưu lượng tham gia giao thông khá đông. Vì vậy, tập huấn nâng cao kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và an toàn giao thông tại tất cả đơn vị trường học là rất cần thiết”, ông Phạm Tấn Ngọc Thụy chia sẻ.
Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng khẳng định, đã xác định rõ tầm quan trọng và sự cần thiết về việc đưa kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Việc am hiểu, thực hành thành thạo các kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ngay từ lứa tuổi học sinh góp phần từng bước xây dựng nền móng, hình thành văn hóa giao thông.
Tuy nhiên, hiện công tác triển khai vẫn còn chậm, chỉ tổ chức tuyên truyền tại một số cơ sở cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định; chưa phổ biến trở thành kiến thức giảng dạy tại tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo và được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân khác nhau.
Vì vậy, để công tác tập huấn, hướng dẫn đạt yêu cầu đặt ra, Đại tá Trần Phòng đề nghị các giáo viên, cán bộ, công nhân viên tham gia tập huấn chấp hành nghiêm quy định đảm bảo trật tự, chú ý lắng nghe, nắm vững các nội dung được tập huấn; thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến các vấn đề còn vướng mắc để báo cáo viên giải thích hoặc cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhất.
Các báo cáo viên nỗ lực truyền đạt đầy đủ, có dẫn chứng, hình ảnh minh họa những nội dung, kiến thức trọng tâm, những vấn đề cần chú ý; trực tiếp thao tác hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông để các giáo viên nắm, hiểu rõ, đầy đủ, chính xác và triển khai vận dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giảng dạy cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.