Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên sâu riêng lẻ của từng bệnh viện vốn đã khó thì việc hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố lại càng khó hơn nhiều. Việc tách rời nhiệm vụ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu khỏi các nhiệm vụ phòng chống dịch, y tế cộng đồng, cấp cứu ngoài bệnh viện tưởng chừng như hoàn toàn hợp lý nhưng thực ra tất cả các nhiệm vụ này đều có tác động qua lại và gắn bó mật thiết với nhau.
Trước hết là nhiệm vụ nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh. Thực tiễn về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã để lại các bài học kinh nghiệm sâu sắc, trong đó, đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực phòng chống dịch phải luôn được xem là ưu tiên hàng đầu. Cần phải có những cơ chế, chính sách để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực này, lĩnh vực vốn rất khó tuyển dụng nhân lực trong nhiều năm qua.
Cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển các ứng dụng giúp dự báo, giám sát và triển khai các can thiệp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Nếu không triển khai hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì ngành y tế khó có cơ hội về nguồn lực và thời gian để triển khai các nhiệm vụ khác, như chăm sóc và quản lý các bệnh không lây, phát triển kỹ thuật chuyên sâu.
Nhiệm vụ thứ hai là củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng. Thực tiễn công tác phòng chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết,… cho thấy chắc chắn sẽ không thành công nếu không có hệ thống các trạm y tế phường, xã, thị trấn và nhất là mạng lưới các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng, những tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định về hiệu quả triển khai các can thiệp cộng đồng.
Ngoài ra, hệ thống y tế cơ sở, bao gồm trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế, còn giữ một nhiệm vụ quan trọng khác đó là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát hiện, điều trị và quản lý các bệnh không lây.
Hoạt động này chỉ thật sự khởi sắc khi được kết nối từ xa qua hệ thống telemedicine với các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối của thành phố. Về lâu dài, khi đã tạo dựng được niềm tin cho người dân đến với y tế cơ sở, các bệnh viện tuyến cuối sẽ được giảm tải đối với các bệnh lý nhẹ, tập trung nguồn lực để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu.
Kế đến là nhiệm vụ cấp cứu ngoài bệnh viện. Hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện ngày càng cho thấy vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Cấp cứu tại chỗ, kịp thời sẽ mang lại nhiều cơ hội sống tốt hơn cho người bệnh khi đột ngột mắc bệnh nặng hoặc bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…
Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp (Paramedic) đã được ngành y tế thành phố xác định một lộ trình phấn đấu liên tục, từ việc phát triển thêm các trạm cấp cứu vệ tinh đến đa dạng hoá các loại hình, phương tiện cấp cứu, và nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng của hoạt động này.
Hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện hiệu quả sẽ tác động tích cực đến kết quả của các can thiệp chuyên sâu, đến sự an tâm của người dân khi chọn y tế cơ sở là nơi chăm sóc sức khoẻ ban đầu vì sẽ được cấp cứu và chuyển viện kịp thời khi quá khả năng của tuyến y tế cơ sở.
Nhiệm vụ cuối cùng cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế thành phố là hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam và của cả khu vực ASEAN. Trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, y tế cơ sở được củng cố, nhiều hoạt động y tế cộng đồng được triển khai, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố cùng với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ đầu tư nguồn lực không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân mắc các bệnh nặng, phức tạp không phải ra nước ngoài điều trị, ngành y tế còn triển khai những hoạt động chăm sóc sức khoẻ bằng công nghệ hiện đại và phương pháp y học cổ truyền theo từng chuyên khoa, trong đó có nghiên cứu triển khai đề án xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn chưa có triệu chứng, từ đó can thiệp sớm mang lại hiệu quả điều trị cao. Các hoạt động này còn đóng góp phát triển loại hình du lịch mới tại TPHCM, đó là du lịch y tế.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để có thể thực hiện đồng bộ cả 4 nhiệm vụ trên, ngành y tế thành phố đã xác định những giải pháp mang tính quyết định cho sự thành công khi được triển khai, đó là: phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý tại các cơ sở y tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo triển khai thí điểm những hoạt động mới, chính sách mới đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư phát triển các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin, chú trọng triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối, quan tâm triển khai kỹ thuật học thích hợp cho tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường triển khai các ứng dụng y tế thông minh.