Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông TPHCM, gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức rộng hơn 22.000ha, với hơn 1 triệu dân. Nơi đây có khu công nghệ cao, khu công nghiệp - khu chế xuất và cụm 12 trường đại học kết hợp với trung tâm hành chính hiện đại, sẽ tạo nên một TP bên trong TPHCM. Dựa trên nền tảng về nguồn nhân lực, công nghệ và tài chính, việc kết hợp 3 quận này sẽ tạo thành khu đô thị hạt nhân để TPHCM phát triển nhanh và bền vững.
Không gian sáng tạo
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Huỳnh Thành Đạt, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các trường đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng - chủ thể của các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp. Hiện Đại học Quốc gia TPHCM đã hình thành nhóm nghiên cứu để có những phác thảo, đề xuất về mô hình khu đô thị sáng tạo này.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, cũng nhấn mạnh sự tham gia của người dân trong việc phát triển các chương trình, phương cách quản lý và cung cấp dịch vụ là một phần không thể tách rời của chính quyền trong khu đô thị sáng tạo. Điều này sẽ cho phép những ý tưởng mới xuất hiện để có thể cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của mọi người dân, kể cả người dân có thu nhập thấp, phụ nữ nghèo, các nhóm thiểu số và nhóm xã hội khó khăn nhất. Ngoài ra, sự tham gia của người dân sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương thông qua các thực tiễn phát triển mạnh tính tự chủ, tạo sự công bằng, phát triển bền vững và đạt năng suất cao.
“Ở cấp chính quyền địa phương của đô thị sáng tạo, sự tham gia như vậy là bắt buộc để bảo đảm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, khởi nghiệp với các dịch vụ công, dịch vụ đô thị”, TS Trần Quang Thắng khẳng định và đánh giá đây cũng là một thách thức mà chính quyền địa phương phải đối mặt để phục vụ người dân tốt hơn. Theo TS Trần Quang Thắng, yếu tố quyết định trong việc thiết lập một chương trình mang tính bền vững có sự đóng góp của người dân là cung cấp không gian tích cực cho người dân địa phương tham gia quản lý và ra quyết định, xuất phát từ các sáng kiến của chính quyền địa phương. Do đó, việc xây dựng, thực hiện và thể chế hóa các chương trình tham gia của người dân ở cấp địa phương là rất quan trọng. Cần lưu ý, thái độ của cán bộ địa phương đối với người dân có thể xảy ra tiêu cực và không mang tính hỗ trợ. Có thể do họ không được trao đủ quyền hoặc sợ phải đối phó với các vai trò và quyền chính đáng của người dân. Đây là vấn đề cần thấy trước để tìm giải pháp khắc phục.
Giao dịch qua hình thức điện tử
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ, sự sáng tạo của đô thị còn nằm ở chỗ sự tương tác của cư dân sống trong đó với những thiết chế quản trị của địa phương và cộng đồng. Nhưng muốn làm được thì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, khởi nghiệp với các dịch vụ công, dịch vụ đô thị là quan trọng. Trong đó, người dân, chính quyền và mối quan hệ giữa dân - chính quyền là nền tảng căn bản.
Vì vậy, TPHCM mong muốn sẽ xây dựng một chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong khu đô thị sáng tạo. Đặc biệt, chính quyền tại khu đô thị sáng tạo phải là một chính quyền mẫu với mọi giao dịch đều thực hiện dưới hình thức điện tử. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch cũng như hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa cán bộ với doanh nghiệp. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. “Chỉ có giao dịch điện tử mới đảm bảo sự minh bạch, công khai”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh và khẳng định ở đô thị sáng tạo không chỉ là phát triển kinh tế, đó còn là môi trường hội tụ “đầy đủ hơi thở cuộc sống” và TPHCM sẽ thực hiện với những tính chất đặc thù của TP.
Bày tỏ sự đồng tình, TS Trần Quang Thắng cho rằng, mô hình chính quyền điện tử mẫu cũng cần mở ra cho việc xây dựng, thực hiện và thể chế hóa các chương trình tham gia của người dân ở cấp TP. Mô hình này phải dành cho người dân không gian đổi mới, cho động lực phát triển mạnh. Nhưng điều lưu ý là sự thiếu cam kết về thể chế và các chính sách có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự tham gia của người dân. “Sự tham gia của người dân như một lực kết dính, kết hợp toàn xã hội với nhau và thống nhất cho lợi ích chung. Cuối cùng, bản thân họ sẽ hài lòng khi được trao quyền, có niềm tin vào sự tự lực, được tham khảo ý kiến trong quá trình ra quyết định và được cung cấp cơ hội tham gia vào việc xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch thực hiện và giám sát quá trình”, TS Trần Quang Thắng phân tích.
Khi đó, sự phát triển của địa phương càng thêm hiệu quả và bền vững. Và dĩ nhiên, sự tham gia của người dân vào quản lý chính quyền địa phương là công cụ rất mạnh để đáp ứng các nhu cầu của địa phương kịp thời, hiệu quả về chi phí và đạt kết quả tốt hơn.