Sáng 10-5, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đi kiểm tra thực tế Khu du lịch hồ Thủy Tiên thuộc địa bàn xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.
Khu du lịch này với điểm nhấn là công viên nước do Công ty Du lịch Cố đô Huế làm chủ đầu tư, được đưa vào khai thác từ năm 2006. Tuy nhiên, không lâu sau đó, do tình trạng làm ăn ế ẩm, không thu hút được du khách, thua lỗ, khu du lịch đã đóng cửa và dần trở nên hoang phế.
Năm 2016, tàn tích khu vui chơi giải trí công viên nước Thủy Tiên với vẻ ngoài đầy ma quái, u ám, bí ẩn đã trở nên nổi tiếng sau khi một loạt ảnh "kinh dị" về nó xuất hiện trên tờ Huffington Post của Mỹ với tựa đề Công viên nước bỏ hoang không dành cho những trái tim nhút nhát.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm việc với chính quyền địa phương cùng sở, ngành liên quan và cho rằng, cảnh quan hồ Thủy Tiên là một địa điểm lý tưởng để hình thành công viên văn hóa phục vụ cộng đồng, không gian sáng tạo đương đại, công viên vườn tượng… Tuy nhiên, việc bị bỏ hoang như hiện nay là một sự lãng phí nên cần sớm hoàn thành việc xử lý tài sản trên đất để triển khai dự án đầu tư phù hợp.
“Cần tập trung khai thác tuyến đường đi bộ, nuôi thú, dịch vụ xe đạp thông minh gắn với một số hoạt động thể thao, vui chơi thưởng ngoạn cho khách và người dân địa phương. Cần tìm hiểu các mô hình công viên vườn thú kiểu mẫu ở các nước trên thế giới có điều kiện khí hậu tương tự như ở Huế để thực hiện tại khu này”, Chủ tịch UNBD tỉnh Thừa Thiên – Huế gợi mở và yêu cầu các sở ban ngành, các địa phương nghiên cứu xây dựng tuyến đường dân sinh cho người dân trong vùng để không ảnh hưởng đến khu vực phát triển dự án, khu vực vào hồ Thủy Tiên.
Chủ tịch UNBD tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, UBND thị xã Hương Thủy tổ chức điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch hồ Thủy Tiên; đề xuất phương án giữ nước tại hồ Thủy Tiên để đảm bảo việc khai thác cảnh quan hiệu quả.
Trước khi trở thành Khu du lịch hồ Thủy Tiên, nơi đây là một khu hồ tự nhiên hiếm bao giờ cạn nước, được bao bọc bởi những rừng thông xanh ngút ngàn của vùng đồi Thiên An nổi tiếng, tạo nên một khu cảnh quan đẹp hiếm thấy, chỉ cách trung tâm TP Huế chưa đầy 10km.
Nơi đây một thời là điểm dã ngoại, cắm trại, sinh hoạt phong trào của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, giới trẻ và là điểm dừng chân khám phá cảnh đẹp của du khách. Từ năm 2000, khu vực này triển khai dự án Khu du lịch hồ Thủy Tiên do Công ty Du lịch Cố đô Huế làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng đến năm 2006 thì đưa vào hoạt động giai đoạn 1.
Tuy nhiên, do dự án không đồng bộ, theo kiểu “chắp vá” cho nên hoạt động kém hiệu quả, đến năm 2011 thì đóng cửa để nghiên cứu lập dự án mới.
Từ năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký chuyển giao toàn bộ dự án cho Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng Haco - Hà Nội (Công ty Đầu tư Xây dựng Haco) thành lập Công ty TNHH Haco Huế để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Song, do kinh doanh gặp khó khăn, dự án không phát huy hiệu quả, không thu hút được khách nên đã hoạt động cầm chừng và ngày một dần hoang phế.
Trước tình hình đó, đầu năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quyết định thu hồi đất dự án và bàn giao lại cho Sở TN-MT tỉnh này quản lý.
Theo đó, khu đất rộng 495.929 m2 cùng các công trình trên đất của dự án hồ Thủy Tiên do Công ty TNHH Haco Huế làm chủ sẽ bị thu hồi và bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN-MT Thừa Thiên - Huế quản lý. Nguyên nhân là vì công ty trên chậm đưa dự án Khu du lịch hồ Thủy Tiên vào sử dụng theo tiến độ, vi phạm điểm G, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.