Đến nay, chương trình này đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại mang đậm dấu ấn và có sức lan tỏa sâu rộng, đặt biệt là hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm hướng đến chuỗi cung ứng tối ưu.
Ký kết 2.283 hợp đồng
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác thương mại, ngay từ năm 2012, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho hàng nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành nói chung.
Qua 6 năm thực hiện, quy mô của hội nghị ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú. Số lượng địa phương, DN tham gia ký kết các hợp đồng ngày càng nhiều. Lũy kế đến nay, có 1.761 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa đã ký kết, chủ yếu ở các nhóm mặt hàng nông và đặc sản của các tỉnh, thành. Riêng hội nghị kết nối cung cầu năm 2017 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10-12 vừa qua đã thu hút 40 tỉnh, thành với gần 2.800 DN tham gia giới thiệu và trưng bày các mặt hàng chất lượng cao.
Kết thúc hội nghị Kết nối hàng hóa cung - cầu năm 2017, các DN đã thực hiện ký kết 522 hợp đồng. Nhóm mặt hàng được các hệ thống phân phối lớn tại TPHCM như Saigon Co.op, Big C, Giant, Metro, Aeon Mall, Lotte Mart… chọn để ký kết lần này chủ yếu là sản phẩm đặc trưng của các vùng miền như thủy hải sản khô, nông sản theo mùa vụ, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, đặc biệt là các loại đặc sản tết như lạp xưởng bò, trái cây và rau các loại, nước ép trái cây, rượu lên men từ trái cây, bì mắm, bánh và mứt tết các loại. Nhiều DN, hợp tác xã (HTX) cũng được các hệ thống phân phối ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm như Công ty Tương Phước Khang, Giày dép Da Việt, Công ty Tân Thành Tiến, AT Group…
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa đã trở thành kênh tiếp xúc trực tiếp, hiệu quả giữa các DN phân phối và DN sản xuất tại TPHCM và các địa phương, gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới, chưa có thị trường. Đồng thời, sở cũng chủ động phối hợp với các nhà phân phối lớn và hơn 1.200 DN xuất khẩu tại TPHCM xác định rõ sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, thị trường mục tiêu cũng như tiêu chuẩn, thị hiếu tiêu dùng nhằm định hướng cho các DN sản xuất. Hội nghị năm nay cũng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch, thông qua các hội thảo chuyên đề để tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu.
Nhờ việc tổ chức thực hiện tốt các chương trình kết nối, TPHCM có thêm nguồn hàng phong phú và chất lượng. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung giới thiệu đến các tỉnh, thành những sản phẩm công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa.
Liên kết đầu tư sản xuất
Thông qua công tác trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, xác định tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương, Sở Công thương TPHCM phối hợp sở công thương các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Nhờ vậy, các DN đã an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các HTX nuôi trồng; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối.
Tính đến nay, các DN bình ổn thị trường TPHCM đã đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại, 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư trên 27.428 tỷ đồng. Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng. Từ nguồn hàng liên kết dồi dào, phong phú, các DN đã từng bước kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để bảo vệ quyền lợi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa của các DN, chương trình hợp tác thương mại tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để trường hợp kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm nông sản thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP).
Chương trình cũng đã hình thành quy chế phối hợp với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã phối hợp chi cục QLTT 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, kinh nghiệm; hỗ trợ kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm ở địa bàn giáp ranh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành thực hiện kiểm soát ATTP mặt hàng nông lâm, thủy hải sản; kiểm soát và truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đảm bảo an toàn nguồn cung lương thực, thực phẩm tiêu thụ trên toàn TP với sản lượng 14.000 tấn thịt heo/tháng, 5.000 tấn thịt gà/tháng, 80 triệu quả trứng gia cầm/tháng, 80.000 tấn rau củ quả/tháng, 17.000 tấn thủy sản/tháng…
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, việc triển khai chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã tạo điều kiện tăng cường trao đổi thông tin 2 chiều; xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, vùng miền. Mặt khác, các chương trình hợp tác đầu tư cũng gắn với Chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM; giúp các DN mạnh dạn đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại... hình thành vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa, Bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM và cả khu vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được; tuy nhiên, chương trình hợp tác vẫn còn những hạn chế, đó là tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nâng cao năng lực, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa được chú trọng ở một số địa phương, dẫn đến việc phối hợp triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, năng lực quản lý, cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối đến nay vẫn còn nhiều thách thức khi sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công nên chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, ATTP, đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, các đơn vị sản xuất này cũng chưa có điều kiện tiếp cận được quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp nhận hàng hóa tại các hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM. Những hạn chế này được các sở công thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm phải tìm cách giải quyết khi triển khai chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2020.
Hợp tác xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến phân phối, năm 2016, TPHCM đã triển khai thí điểm đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đến nay, đã có 2.644 trang trại, cơ sở chăn nuôi tại 16 tỉnh, thành (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận, Long An, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đắk Nông, Vĩnh Long, Hậu Giang và TPHCM) thực hiện đeo vòng nhận diện; 38 cơ sở giết mổ tại 7 tỉnh, thành, 100% thương nhân tại 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền tham gia đề án.
Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, số lượng heo có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc từ trang trại, cơ sở giết mổ đến chợ đầu mối cung cấp cho thị trường TPHCM đạt 7.500 - 8.000 con/ngày.
Ngày 8-7-2017, UBND TPHCM ban hành 2 quyết định số 3583 và 3584 phê duyệt đề án Truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm. Hiện Sở Công thương TPHCM vẫn tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký tham gia của các đơn vị đăng ký. Qua số liệu thống kê sơ bộ có 29 đơn vị đăng ký tham gia với quy mô 35 trang trại gà giống (quy mô hơn 2.800.000 con giống); 431 trang trại gà lấy thịt (sản lượng hơn 15.000.000 con xuất trại/lứa); 61 trang trại gà, vịt lấy trứng (sản lượng hơn 80.000.000 quả trứng/tháng); 17 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm (với sản lượng hơn 6.300.000 con/tháng); 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (sản lượng hơn 75.000.000 quả/tháng); riêng tại TPHCM đã có hơn 1.749 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các đề án truy xuất nguồn gốc được coi là giải pháp tiên phong và đột phá của TPHCM nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, làm tiền đề chấn chỉnh và tái cơ cấu hoạt động sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu.
Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát tốt đầu vào, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông, chương trình đã tạo niềm tin cho DN kinh doanh tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; tạo sự an tâm cho người tiêu dùng khi tiêu thụ hàng hóa đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý; hạn chế mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.