KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đã nói đến đô thị thì phải nói đến công nghiệp, không có công nghiệp thì không có đô thị. Đô thị biển cũng phải có công nghiệp, có việc làm thì mới có điều kiện để phát triển bền vững thị trường bất động sản.
Ngày 3-8, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.
Quang cảnh hội thảo Theo ban tổ chức, nhìn tổng thể đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận trong tương lai cần làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt vấn đề đến kinh tế đô thị, công ăn việc làm và an sinh xã hội. Qua đó, biến các đô thị thực sự là nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
“Vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên, chúng tôi có đất, có biển, có sông và quan trọng, chúng tôi thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn. Vấn đề là phương án nào để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó, vừa đáp ứng cho mục tiêu trước mắt nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự trữ cho những mục tiêu lâu dài. Đồng thời, cần thêm các giải pháp nhằm ứng phó với các nguy cơ môi trường trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt đối với khu vực nhạy cảm sông – biển, vừa thích nghi với khí hậu vừa phải tạo nét đặc sắc riêng đối với đô thị vùng sông, vùng biển”, ông Hồ Quang Bửu nêu vấn đề.
Còn KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu thực trạng với diện tích bờ biển dài từ Móng Cái đến Hà Tiên với hàng ngàn đảo và hệ sinh thái đa dạng, riêng với đô thị biển, chúng ta chỉ mới đang có 10 đô thị biển. Chúng ta đã bám biển và hình thành được rất nhiều đô thị biển có kết quả tốt về tốc độ phát triển chung kinh tế - xã hội. Điển hình như đô thị biển Quảng Ninh, đô thị biển Hải Phòng.
KTS Trần Ngọc Chính nêu vấn đề của đô thị biển Việt Nam Ông Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, đã nói đến đô thị thì phải nói đến công nghiệp, không có công nghiệp thì không có đô thị. Đô thị biển cũng phải có công nghiệp, có việc làm thì mới có điều kiện để phát triển bền vững thị trường bất động sản. Tương lai, ông hy vọng có sự kết nối giữa các khu vực biển miền Trung để hình thành chuỗi đô thị biển gắn với phát triển kinh tế công nghiệp, gắn với các cảng biển.
Một góc đô thị biển TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) Phát biểu tham luận, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất giải pháp phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam.
Một là, phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Chức năng của đô thị biển phải được định hình rõ và đảm bảo không xảy ra xung đột.
Hai là, đô thị biển phải là toạ độ hội nhập quốc gia, mở cửa và trở thành trung tâm cạnh tranh quốc tế.
Ba là, tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hoá: Là đô thị cảng biển (hàng hoá hoặc du lịch); trung tâm công nghiệp thông minh; tổ hợp logictis kiểu mới. Đồng thời phải tạo tư duy, cơ chế trao quyền phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo. Cùng với đó động lực phát triển đô thị biển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân.
NGUYỄN CƯỜNG