Chuyến thăm Nga lần này của ông Erdogan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã lên tới đỉnh điểm, Washington đã hoãn chuyển giao cho Ankara các thiết bị liên quan đến các máy bay F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kỳ vọng sẽ được nhận trong năm nay, như một biện pháp gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn. Không chỉ có vậy, Mỹ còn dọa “loại” Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc Ankara và Moscow ngày càng xích lại gần nhau rõ ràng khiến Washington lo ngại.
Vài năm trở lại đây, dù còn nhiều bất đồng, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có những bước khởi sắc rõ rệt. Về chính trị, nguyên thủ 2 nước duy trì tần suất tiếp xúc, trao đổi cấp cao dày đặc trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Nếu tính cả các chuyến thăm chính thức và cuộc gặp bên lề, 2 ông Putin và Erdogan đã gặp nhau tới 9 lần chỉ trong hơn 1 năm qua. Nguyên thủ 2 nước cũng xác lập một kỷ lục về số lần điện đàm với nhau trong khoảng thời gian trên: 20 lần. Về kinh tế, trong tổng số hơn 25 tỷ USD trao đổi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái, Nga xuất siêu đến hơn 17 tỷ USD, qua đó đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 5 đối tác nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Nga. Trong khi đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong nợ nần, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao đi kèm những dấu hiệu của tình trạng suy thoái nên việc tăng cường quan hệ kinh tế với Moscow trở thành ưu tiên của Ankara. Hoạt động đầu tư vào nền kinh tế của nhau cũng đang “nở rộ”, với tổng vốn đầu tư tích lũy đến giai đoạn này đạt 10 tỷ USD mỗi bên. Còn hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước từng là “đối thủ” một thời này đã đạt đến mức độ mà chỉ mấy năm trước đây còn rất ít người nghĩ tới. Việc Ankara, bất chấp những cảnh báo từ Washington, vẫn quyết tâm đặt mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga với trị giá hợp đồng 2,5 tỷ USD là minh chứng rõ nét nhất.
Thực tế cho thấy Moscow rất coi trọng vai trò của Ankara trong việc triển khai chính sách ở Trung Đông. Vào lúc Nga đang nỗ lực khôi phục vị thế một cường quốc, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cầu nối, là đối tác quan trọng. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga giữ vai trò cần thiết để tái cân bằng quan hệ với phương Tây, thậm chí Ankara có thể biến mối quan hệ này thành “quân bài” mặc cả trên bàn thương lượng, như Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng thỏa thuận mua S-400 của Nga để mua các tên lửa Patriot của Mỹ với giá rẻ hơn. Ngoài ra, với mối quan hệ hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể tạo đối trọng với ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây, nhất là ở Trung Đông, giúp vị thế và vai trò của từng nước được nâng cao.
Có thể nói, quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là kết quả của chính sách ngoại giao thực dụng mà 2 bên cùng theo đuổi, khai thác triệt để tiềm năng của mối quan hệ này để phục vụ cho lợi ích quốc gia.