Đêm chung kết 25-10, chiến thắng thuộc về người đẹp đến từ Brazil - Isabella Menin được đánh giá xứng đáng khi cô có đủ mọi yếu tố từ trí tuệ đến nhan sắc. Tuy nhiên, ngay đêm chung kết, nhiều khán giả Việt Nam bức xúc khi đại diện trong nước là Đoàn Thiên Ân chỉ dừng chân ở top 20. Đây là lý do nhiều khán giả Việt ồ ạt unfollow (hủy theo dõi) trang Instagram và fanpage Facebook của cuộc thi. Thậm chí, chỉ trong thời gian rất ngắn, trang Instagram cuộc thi “mất trắng” 2 triệu người theo dõi đến từ Việt Nam. Ngoài ra, trên các nền tảng mạng xã hội, khán giả liên tục bình luận, chỉ trích, “trách móc” cuộc thi thiên vị một số đại diện các nước…
Hàng loạt hành động này của khán giả khiến cho tài khoản mạng xã hội cuộc thi không giữ được vị trí cao nhất. Liên tiếp bị khán giả Việt hủy theo dõi, tài khoản chính cuộc thi đăng đàn ám chỉ việc không “mua bán” vương miện. Thậm chí, vị Chủ tịch Hoa hậu Hòa bình quốc tế có lời lẽ body shaming (miệt thị ngoại hình) người đẹp Thiên Ân trên mạng xã hội, trước nhiều khán giả quốc tế và liệt kê những nhược điểm về hình thể của người đẹp Việt… Không “vừa”, nhiều thí sinh khác tham gia cuộc thi không được “thuận mắt” cũng liên tục bị khán giả Việt miệt thị ngoại hình, chê phẫu thuật thẩm mỹ quá đà, mũi giả, mặt nhọn… và trình độ tiếng Anh “xu cà na” (tệ). Hàng loạt trang viết, diễn đàn, bình luận bàn luận quanh những vấn đề này và người bị tổn thương chính là những thí sinh bất kể quốc tịch.
Hoa hậu Hòa bình quốc tế được tổ chức lần đầu năm 2013 và trở thành 1 trong 6 cuộc thi nhan sắc uy tín hàng đầu thế giới. Cuộc thi hướng tới thông điệp “Chấm dứt chiến tranh và bạo lực” hơn 10 năm qua. Bạo lực không chỉ đến từ súng đạn mà còn đến từ những lời nói mang tính sát thương, đặc biệt trên không gian mạng hiện nay. Kêu gọi chung tay vì hòa bình, chấm dứt bạo lực không phải chỉ riêng việc nói không với chiến tranh mà còn là bày tỏ tiếng nói của lòng nhân ái, sự cảm thông, yêu thương. Nhưng, sau những động thái thiếu mực thước từ ban tổ chức lẫn khán giả nhiều nơi khi miệt thị ngoại hình, trình độ ngoại ngữ của thí sinh, cho thấy thông điệp của cuộc thi vẫn chưa thực sự lan tỏa.
Từ câu chuyện đang xảy ra, việc chống miệt thị hình thể, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội càng được chú ý. Cần phải nói thêm, sau chung kết các cuộc thi nhan sắc, phản ứng trái chiều ở khán giả là điều khó tránh. Phản ứng của khán giả Việt như “quay xe” hủy theo dõi các trang tin cuộc thi có thể hiểu, nhưng việc để lại các bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trình độ của thí sinh các nước khác là điều không nên. Và khi bình luận điều gì ở các trang mạng quốc tế, khán giả cũng cần chú ý, hình ảnh người Việt mới là giá trị dài lâu.