Hồi còn học ở thành phố, tôi cũng đã từng một lần xin chữ ông đồ một chữ An. Quê tôi không có người cho chữ, cũng chẳng có người xếp hàng xin chữ như ở thành phố. Mỗi độ tết đến xuân về, người xin chữ, người đi lễ chùa cầu tài cầu lộc, cầu phúc, tiền tài danh vọng… mong gia đình có nhiều may mắn.
Nhiều người dân quê tôi không có thói quen đi lễ chùa đầu năm, cũng chẳng có nhiều người đi chúc tết, hái lộc những ngày đầu năm mới. Song ở quê tôi có một phong tục mà những người lớn tuổi rất đỗi quen thuộc đó là hình ảnh một người đàn ông tên Thén, người dong dỏng cao, khuôn mặt sáng đầy phúc hậu chuyên đi khắp các bản làng “khai vài xuân” (chúc tết năm mới).
Ông Thén đến mỗi nhà gọi người, lấy từ trong túi ra hai tấm giấy đỏ dán lên hai cánh cửa, miệng nói “gia chủ ơi khai vài xuân nhé”. Nói xong, “ông khai vài xuân” liền đọc một mạch những lời chúc có vần điệu thơ nhưng lại rất đỗi mộc mạc.
“Tháng Giêng năm mới, gia chủ có nhiều sức khỏe, làm việc gì cũng thuận, nghĩ việc gì cũng thông, trồng cây ngô cho trái to bằng bắp chuối, cấy cây lúa bông to tựa buồng cây móc, cây cau. Ngần xèn (tiền bạc) vào cửa trước, trâu đò, lợn, chó vịt … vào cửa sau. Nuôi lợn nhanh lớn, nuôi ba tháng to bằng cái cối, nuôi sáu tháng lớn bằng cái loỏng suốt lúa, con nào con nấy mỡ màng như quả lên cuối mùa, như quả nhót chín đỏ trên cây. Tiền của đến với gia đình như nước suối mùa lũ tiêu xài không hết”.
Ông “khai vài xuân” đọc hết lời chúc, chủ nhà đáp lại những lời chân chất. Có gia đình khá giả thì cho tiền, có người cho phong bánh khảo, cái bánh toóc, phong khẩu sli… để rồi chỉ đi “khai” một hai làng mà của thu được người khai vài xuân không thể gánh về nhà hết vì… nặng.
Tôi đã từng nghe những lời bộc bạch của ông khai vài xuân. Ông bảo người đi khai vài xuân cần có cái da mặt… dày mới được. Có khiếu ăn nói hài hước mới có thể đi gõ từng nhà nói ra những lời chúc mừng hay nhất. Trước bao nhiêu người cần phải có được sự tự tin trong lời nói, hành động phải ăn khớp với nhau. Chúc xong rồi gia chủ có cho tiền, cho quà hay không cũng chẳng quan trọng.
Thực tế có nhà cho ông khai vài xuân tiền, gói quà, tấm bánh, có nhà chẳng cho cái gì nhưng ông khai vài xuân vẫn vui vẻ.
“Tôi đã được nếm bánh của mọi dòng họ, đến nhà của nhiều gia đình, chứng kiến đủ mọi hoàn cảnh. Có người tết đến có đủ đầy, song cũng có không ít gia đình khốn khó, thương cảm lắm”.
Trước những gia đình nhiều khốn khó, ông khai vài xuân đã đem những cái bánh khảo, bánh toóc của mình “khai” được san sẻ cho họ. Một tấm lòng thơm thảo của người khai vài xuân được nhiều người tán dương. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, việc làm tuy nhỏ nhưng phúc đức, tiếng thơm để mãi cho đời.
Xuân về đào, mai lại nở rộ, nhiều người làng tôi trông mong ông khai vài xuân đến nhà dán hai mảnh giấy đỏ lên cánh cửa, đọc những lời chúc mang nhiều ý nghĩa tích cực. Nhưng đã lâu không thấy ông khai vài xuân đến nữa.
Nhiều người đã quen với hình ảnh người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu, lời nói trầm ấm như ngọn lửa hồng lúc đêm đông giá rét đến chúc tết mỗi gia đình đầu năm mới. Nhiều người đã thuộc lòng những câu thơ chúc tết có vần điệu của ông khai vài xuân, quen với hình ảnh ông đứng trước nhà. Không thấy ông đến khai vài xuân, không ít gia chủ cảm thấy nhớ, hối tiếc. Giá như trước kia có nhiều máy ảnh, điện thoại như bây giờ, chụp lại, quay lại hình ảnh ông khai vài xuân đến nhà chúc tết thì hay biết mấy!
Mấy mươi năm đã trôi qua, làng quê đã có nhiều thay đổi, đào, mai vẫn nở mỗi độ xuân về, nhưng không có người tiếp bước ông khai vài xuân đến dán giấy đỏ may mắn cánh cửa nhà, chúc gia chủ những lời hay ý nghĩa. Đất nước ngày càng phát triển đi lên, cuộc sống của người dân ngày càng no đủ. Tết đến nhà nào cũng có bánh khảo, bánh chưng, khẩu sli, có thịt lợn, bánh kẹo, hoa quả, không còn thiếu thốn như mấy chục năm trước nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó không thể nói thành lời.
Khai vài xuân là một nét đẹp văn hóa giờ chỉ còn lại trong ký ức, hoài niệm của bao người. Trong hương xuân lan tỏa khắp đất trời, tôi bùi ngùi tự hỏi ông khai vài xuân, hồn ở đâu bây giờ?
NÔNG QUỐC LẬP
Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng