Đơn hàng tăng, hoạt động hết công suất
Mặc dù tình hình thị trường chung đang có xu hướng tăng chậm lại, song vẫn có một số doanh nghiệp ngành thực phẩm, dệt may… ghi nhận kết quả khả quan, thậm chí có doanh nghiệp phải làm hết công suất để kịp giao hàng.
Đơn cử như ở lĩnh vực sản xuất thực phẩm, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (với các sản phẩm bún, miến, phở, mì thương hiệu lá bồ đề) cho biết, hiện công ty đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm, thậm chí hàng sản xuất ra không đủ bán và doanh nghiệp đang phải mở rộng nhà máy sản xuất miến với công suất 5.000 tấn/năm tại Đồng Nai. “Chúng tôi dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300% so với năm 2023”, bà Giàu tiết lộ. Theo bà Lê Thị Giàu, kết quả này là nhờ việc tích cực tham gia các diễn đàn, hội chợ xuất khẩu thời gian qua, điển hình là Hội chợ hàng xuất khẩu do Sở Công thương TPHCM tổ chức. Đặc biệt, từ hội chợ này, doanh nghiệp còn tiếp cận các nhà phân phối ở thị trường nội địa và có được những đơn hàng lớn.
Ở lĩnh vực sản xuất dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng của doanh nghiệp này đã phục hồi và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Việt, không chỉ Việt Thắng Jean, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cũng ghi nhận đơn hàng xuất khẩu tăng đáng kể, trong đó nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận có đơn hàng đến hết năm.
Nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng
Một điểm đáng chú ý khác, theo các doanh nghiệp, đó là vị thế của sản phẩm Việt ngày càng được nâng cao bởi thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đã tìm đến Việt Nam để mua sản phẩm Việt. Trong chia sẻ gần đây, đại diện của Tập đoàn Falabella - hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh với hệ thống 577 cửa hàng và trung tâm thương mại hoạt động tại Chile, Argentina, Brasil. Colombia, Mexico, Peru, Uruguay - cho biết, năm 2023, tập đoàn này đã cử đoàn thu mua tham dự chương trình Viet Nam International Sourcing và lập tức tìm kiếm được đối tác cung ứng tại Việt Nam trong lĩnh vực quần áo và dụng cụ thể thao. Qua đó, đưa sản phẩm Made in Viet Nam tiếp cận trực tiếp với 35 triệu khách hàng thường xuyên trong hệ thống cửa hàng của hãng tại thị trường này.
Vị đại diện này cho biết, trong tháng 6 tới sẽ tiếp tục tham dự Viet Nam International Sourcing 2024 để tìm mua sản phẩm Việt về phân phối ở khu vực Mỹ Latinh. “Năm nay, chúng tôi đặt kỳ vọng mở rộng thu mua sang các lĩnh vực từ dệt may, da giày, đồ thể thao đến đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình”, đại diện của Tập đoàn Falabella, chia sẻ. Tương tự, Tập đoàn Walmart cũng cho biết, tháng 6 tới đây sẽ đến Việt Nam để tập trung thu mua nhóm hàng dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh… nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực.
Sở dĩ, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt ngày càng thu hút sự chú ý của nhà mua hàng, theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, đó là: hàng Việt ngày càng chú trọng vào chất lượng, cải tiến mẫu mã. Bằng chứng là hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op hiện đang kinh doanh trên 90% hàng hóa là hàng sản xuất tại Việt Nam và được hàng triệu người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Cũng theo ông Đức, sắp tới, nhà bán lẻ này tiếp tục tìm kiếm những sản phẩm hàng Việt đạt chất lượng để đưa vào hệ thống 800 điểm bán trong nước, đồng thời liên kết với các hợp tác xã ở Singapore, Nhật Bản, Bắc Âu… để xuất khẩu hàng Việt dưới chính tên thương hiệu doanh nghiệp Việt.
Trên thực tế, việc bán được sản phẩm dưới chính tên thương hiệu của mình đã giúp các doanh nghiệp Việt thu về giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn như gạo sạch của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An hiện được bán rộng rãi trong nước và xuất khẩu dưới tên Trung An với giá trị rất cao. Theo chia sẻ của ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp đã mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu, đồng thời đảm bảo các tiêu chí sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được kiểm định từ đối tác độc lập thứ ba. Chính vì vậy, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo thơm, cụ thể là ST24, ST25 với giá trên 1.000 USD/tấn vào thị trường EU.