“Chạy đua” cùng HIFF
“Chạy đua” là từ khóa được đạo diễn Trần Thanh Huy đưa ra khi nói về HIFF. Anh lý giải: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một LHP quốc tế tại TPHCM. Có rất nhiều điều mới mẻ, bỡ ngỡ. Ngay từ khi bắt đầu, chúng ta còn thiếu nhiều kinh nghiệm nhưng mình phải chạy đua để khắc phục tất cả những điểm yếu đó. Việc chạy đua cũng thể hiện một tinh thần rất lớn của các nhà làm phim Việt Nam, muốn có một sự kiện điện ảnh thật tốt”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng, Giám khảo hạng mục Phim đầu tay và thứ hai dùng từ khóa “năng động” khi miêu tả về không khí HIFF. “Khi theo dõi các bộ phim tham dự, tôi cảm nhận rõ sự năng động ấy. Các phim tranh giải có màu sắc đặc biệt nhưng lại rất phù hợp với LHP được tổ chức tại một thành phố năng động, hiện đại như TPHCM”. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng nhấn mạnh việc không có phim Việt Nam tranh giải phim truyện chính thức là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo ông việc ngay từ đầu xác lập một tiêu chuẩn cao cho HIFF sẽ tạo nên đẳng cấp, bởi việc nhắm đến thị trường quốc tế mới là điều quan trọng.
Nhìn vào lịch trình HIFF trong suốt 8 ngày diễn ra có thể thấy tham vọng và cả phần nào đó “tham lam” của ban tổ chức. Điều này cũng được chính ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc điều hành HIFF thừa nhận, bởi mỗi hoạt động mang đến màu sắc riêng. “Chúng tôi mong muốn LHP không chỉ là sân chơi riêng của những người làm phim, quan trọng nhất là mang phim ảnh đến với khán giả”, ông Toàn cho biết. Ban tổ chức cũng mong muốn việc tổ chức đa dạng các hoạt động trong nhà, ngoài trời tại HIFF kích thích khán giả yêu thích điện ảnh hơn, từ đó tạo động lực để các nhà làm phim sáng tạo nhiều bộ phim hay hơn.
Trên thực tế, trong thời gian diễn ra HIFF, nhiều hoạt động đã thu hút lượng lớn người tham dự. Điển hình như Công viên điện ảnh được xem là điểm nhấn độc đáo. NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT, cho biết, mô hình này gợi nhớ những buổi chiếu phim ngoài trời đã đi vào ký ức của khán giả, trở thành dấu son của phim Việt. Nhiều suất chiếu phim tại khắp các cụm rạp trên thành phố cũng nhận được sự hưởng ứng lớn. Một số suất chiếu và giao lưu đặc biệt các phim: Dearest Việt, Broker…, rạp chật cứng khán giả. Tất cả đều ở lại giao lưu đến tận giờ chót.
HIFF cũng rất thành công trong hợp tác công - tư. Với tổng số kinh phí tổ chức hơn 80 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng là do TPHCM hỗ trợ, phần còn lại từ các nguồn lực xã hội hóa. Sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân, cũng như giữa các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh đã góp phần phát huy nguồn lực xã hội hóa, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt Nam trong khuôn khổ HIFF.
Đồng hành xuyên suốt các sự kiện chính, ông Kim Dong-ho, Chủ tịch danh dự HIFF, đánh giá cao các hội thảo, tọa đàm diễn ra 3 ngày liên tiếp, từ ngày 7 đến 9-4 nơi các chuyên gia, nhà làm phim cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược thành công của các LHP quốc tế. Ông cũng đánh giá cao Chợ dự án, nơi các nhà làm phim chia sẻ về hành trình làm phim của mình. Bên cạnh đó, việc có mặt của các đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản…, cũng là vinh dự, thành công lớn. Đó cũng là lý do đạo diễn Kim Jee-woon tin rằng với cách làm như này, HIFF sẽ thành công.
Sửa sai để hoàn thiện
Thiếu sót là điều không tránh khỏi trong lần đầu tổ chức của HIFF 2024. Có thể thấy sự lúng túng nhất định của ban tổ chức trong đêm khai mạc; triển lãm Vẻ vang 77 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam thưa thớt người tham dự; một số phiên tọa đàm cũng vắng bóng các nhà làm phim Việt; công tác truyền thông những ngày đầu khá chậm. Cả đạo diễn Lương Đình Dũng và Trần Thanh Huy đều cho rằng, ngay cả các LHP lớn cũng luôn có những trục trặc. Tuy nhiên, theo đạo diễn Lương Đình Dũng, có 3 yếu tố tiên quyết để đánh giá về một LHP: chất lượng phim, chất lượng ban giám khảo và chất lượng khách mời tham dự. “Về cơ bản HIFF đã đạt được 3 yếu tố này. Còn những tiêu chí bên ngoài, chúng ta sẽ dần hoàn thiện”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.
Đạo diễn Trần Thanh Huy cũng đưa ra phân tích, việc tổ chức LHP phải mang tính hệ thống. “Muốn mọi thứ được tốt, công tác chuẩn bị phải dài hạn, kéo dài ít nhất 1 năm. Năm nay chúng ta cần rút kinh nghiệm để năm sau có thể làm tốt hơn, vì đa phần công chúng Việt Nam vẫn chưa quen với cách thức vận hành một LHP. Chưa được ở mặt nào, chúng ta phải làm, phải sửa và khắc phục”, Trần Thanh Huy nhận xét. Theo anh, một LHP không chỉ có phim ảnh mà còn có các hoạt động lễ hội đi kèm, nên sẽ bao hàm nhiều công tác: kết nối giao thông giữa các điểm tổ chức, ăn ở và cách ứng xử với khách mời quốc tế. Đó là việc phải làm và rút kinh nghiệm hàng năm. Anh cũng nhấn mạnh: “Các LHP lớn cũng cần 10, 20 năm, thậm chí lâu hơn mới thành công. Nếu năm sau chúng ta còn làm và mắc phải những lỗi này mới là điều đáng trách”.
Tuy nhiên, để các kỳ HIFF tiếp theo thành công, theo các chuyên gia quốc tế Kim Dong-Ho, Kim Jee-woon, nguồn kinh phí là điều tối quan trọng. Ông Kim Dong-Ho tiết lộ, LHP Quốc tế Busan tổ chức với kinh phí khoảng 10 triệu USD (hơn 250 tỷ đồng), trong đó 60% từ chính quyền thành phố. “Sự hỗ trợ của nhà nước sẽ mang đến cơ hội mời được nhiều khách có tầm ảnh hưởng, thu hút các nhà làm phim mang phim đến tham dự, hoặc chia sẻ thông tin về HIFF, điện ảnh TPHCM ra thế giới”, ông Kim Dong-Ho chia sẻ. Còn theo đạo diễn Kim Jee-woon, sự kết hợp giữa các nhà làm phim, hỗ trợ từ chính phủ, các ban ngành đồng thời nâng cao thị hiếu của công chúng, những hiểu biết về LHP sẽ góp phần vào thành công của HIFF.
HIFF có gần 100 bộ phim được trình chiếu, trong đó có 3 phim ra mắt toàn cầu (world premiere), 2 phim lần đầu được giới thiệu tại châu Á và 1 số phim lần đầu ra mắt Đông Nam Á. HIFF có gần 200 suất chiếu phim, trong đó có 14 suất chiếu ngoài trời; có khoảng 20.000 khán giả tham dự các sự kiện trực tiếp; tổng khán giả tham gia các hoạt động là hơn 250.000 người. HIFF có tổng số 73 sự kiện, 14 phiên hội thảo, tọa đàm và 10 lớp học chuyên môn, thu hút gần 200 khách mời quốc tế. Kinh phí tổ chức dự trù cho HIFF khoảng 3-4 triệu USD và con số thực tế là hơn 80 tỷ đồng, từ giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị cho đến khi tổ chức.