HIFF 2024: Gỡ nút thắt cho điện ảnh Việt

Tại các phiên hội thảo thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) 2024, nhiều nghịch lý của điện ảnh Việt Nam đã được các chuyên gia, nhà làm phim trong nước và quốc tế đưa ra thảo luận sôi nổi. Cùng với đó là những ý kiến đóng góp và giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển điện ảnh Việt.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận giải pháp hỗ trợ điện ảnh Việt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận giải pháp hỗ trợ điện ảnh Việt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bàn những chuyện “nóng”

Trong phiên thảo luận “Những cơ hội và thách thức của hoạt hình và kỹ xảo ở Việt Nam” tại tọa đàm “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu”, một vấn đề nóng hổi được đặt ra là câu chuyện nhiều phim Việt bị chê có kỹ xảo tệ, trong khi ngành kỹ xảo Việt Nam có không ít chuyên gia đã cộng tác thực hiện những “bom tấn” Hollywood. Và chính các chuyên gia cũng rất mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Anh Thierry Nguyễn, đồng sáng lập Badclay Studio - CEO của AIOI Studios, cho biết, hiện có hơn 60% studio trong ngành kỹ xảo và hoạt hình Việt đang làm việc với các khách hàng nước ngoài. Thế nhưng, Thierry Nguyễn cũng cho biết thêm, không ai trong số họ muốn mãi chỉ đi làm thuê, họ cũng rất mong được đóng góp tầm nhìn, sáng tạo cho điện ảnh Việt Nam. Ông Ming Pan, đồng sáng lập kiêm CEO Công ty kỹ xảo Mixel Media, một người con gốc Việt, tâm sự: “Làm việc ở những studio của Marvel, chúng tôi được học hỏi nhiều điều và chúng tôi luôn muốn mang những điều học hỏi được quay về quê hương, thực hiện dự án với các bạn trẻ Việt để cho thế giới thấy kỹ xảo Việt Nam đã tuyệt vời như thế nào”.

Vậy vì sao kỹ xảo phim Việt vẫn bị chê? Theo ông Lê Anh Dy, nhà sáng lập và là CEO của blankNegatives, Chủ tịch VAVA (Hiệp hội VFX và hoạt hình Việt Nam), vấn đề cốt lõi là ngân sách bao nhiêu sẽ cho ra kết quả bấy nhiêu. “Dù đội ngũ làm nghề có năng lực nhưng không có tiền để đầu tư, thì chất lượng cũng chỉ đến đó”, ông Lê Anh Dy chia sẻ.

Nghịch lý trong ngành kỹ xảo chỉ là một ví dụ được các chuyên gia mổ xẻ tại HIFF. Một câu chuyện lớn hơn, vốn được nhắc đến nhiều lần, đến nay vẫn thời sự, là vốn dành cho làm phim và quỹ điện ảnh. Bà Hằng Trịnh, Giám đốc điều hành Skyline Media, chia sẻ: “Các nhà làm phim Việt hiện dựa vào các nhà phát hành, đầu tư quá nhiều, trong khi vốn đầu tư từ Chính phủ lại rất ít”. Theo nhà sản xuất Will Vũ, nhà sáng lập kiêm CEO Muse Films và VMF Capital, hiện công thức gọi vốn thường thấy là 45% của chủ sở hữu, 15% từ công ty đầu tư cá nhân điều hành, 10% từ nhà rạp và 30% từ các đối tác bên ngoài.

Bà Liza Dino, Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh TP Quezon kiêm Giám đốc điều hành Chợ dự án Qcinema (Philippines) cũng khẳng định, điện ảnh luôn cần có sự hỗ trợ nhất quán của chính phủ, vì nếu chỉ dựa vào vốn của chủ sở hữu sẽ không thể tồn tại. Theo bà Liza, vốn của chủ sở hữu chỉ nên dừng ở con số 20%, khi đó các nhà làm phim sẽ không còn quá nhiều lăn tăn về thành công thương mại trên thị trường.

Chờ những đột phá

Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM Emmanuelle Pavillon-Grosser đưa ra kinh nghiệm từ nước Pháp, nhiều năm qua, để duy trì sự tồn tại và phát triển công nghiệp điện ảnh quốc gia, Pháp có hệ thống hỗ trợ tài chính, do đó có thể tự tài trợ cho những hoạt động điện ảnh của mình, đặc biệt xây dựng những thương hiệu lớn, điển hình là LHP Cannes. “Đó cũng là cách để chúng tôi kêu gọi những bộ phim nổi tiếng toàn cầu đến tham dự, trình chiếu, thúc đẩy việc xúc tiến thị trường điện ảnh như một mảng kinh tế lớn”, bà Emmanuelle chia sẻ.

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng để gỡ những nút thắt các nghịch lý nêu trên là việc cần thiết xây dựng mạng lưới, sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà làm phim trong nước, quốc tế thông qua các sự kiện như HIFF. Điều này không chỉ tăng cường sự giao lưu, học hỏi mà còn mở ra nhiều cơ hội, giảm thiểu rủi ro. Theo ông Kim Donghyun, đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Việt Nam hiện đang đẩy mạnh việc đưa văn hóa dân gian vào các tác phẩm, đây là con đường Hàn Quốc đã đi và thành công, để lại nhiều kinh nghiệm hay có thể học hỏi, tránh lặp lại các sai lầm mà điện ảnh Hàn Quốc từng mắc phải.

Và, điều quan trọng không kém đó là đội ngũ nhà làm phim Việt cần tự tin phát huy ưu điểm rất lớn từ sự phát triển nhanh, đồng đều cả về số lượng, chất lượng. “Việt Nam đang có đội ngũ đạo diễn, diễn viên trẻ, sáng tạo, khả năng nói tiếng Anh tốt, là một lợi thế để rút ngắn khoảng cách trong giao tiếp, giúp chia sẻ ý tưởng tốt hơn và thuận tiện trong quá trình làm việc với các đạo diễn lớn ở Hollywood”, anh Anderson Le, Giám đốc tuyển phim HIFF, nêu quan điểm.

Việt Nam cần tránh cái bẫy làm phim một kiểu

Ông Raymond Phathanavirangoon, cựu lãnh đạo Chương trình Đào tạo dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á (SEAFIC) góp ý, Việt Nam đang có dấu hiệu tập trung vào các dòng phim thương mại, một màu, một kiểu, chỉ hướng đến những câu chuyện ủy mị, buồn thảm…, đây chính là điều mà điện ảnh Thái Lan từng mắc phải, dẫn đến sự đơn điệu của điện ảnh và kết quả là khán giả dần nhàm chán, quay lưng lại với phim bản địa.

Tin cùng chuyên mục