Phong tục đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Người dân đi chùa cầu may, cầu phúc, mong gia đạo bình an, công việc suôn sẻ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đối với bạn trẻ độc thân, họ không chỉ cầu như thế mà còn khấn vái tỏ bày chuyện hạnh phúc lứa đôi. Đặc biệt, trong ngày mùng 1 Tết, các cô gái, chàng trai trẻ nhiều nơi nô nức sắm sửa lễ vật đến những ngôi chùa linh thiêng.
Lễ vật dâng lên có hoa quả, nến, nhang… có người cẩn thận “đầu tư” thêm cả rượu, trà, sớ đã viết tên sẵn, cầu mong ông Tơ bà Nguyệt xe duyên.
Chùa Hà hay còn gọi Thánh Đức Tự, phủ Tây Hồ, Am Mị Nương - đền Cổ Loa, chùa Phúc Khánh, chùa Trấn Quốc, chùa Láng (Hà Nội); chùa Ngọc Hoàng (TPHCM)… đông nghịt bạn trẻ từ trong ra ngoài. Như ở chùa Ngọc Hoàng, nơi cực kỳ nổi tiếng là ngôi chùa cầu tự, cầu duyên, người đến đây thường thành tâm thắp hương, khấn tên bản thân, khấn tên người trong mộng, rồi sờ vào từng bức tượng để ông Tơ bà Nguyệt xe duyên. Trong ngày mùng 1 tết này, khu vực xung quanh chùa bị tắc đường cục bộ vì người đi cầu duyên quá… đông. Chưa kể, khi đi chùa, các cô gái thường quần áo kín đáo, áo dài hoặc đồ lam nhưng nhiều bạn nữ bây giờ lại hớ hênh váy ngắn, quần cụt khi đến nơi cửa Phật.
Mà đâu chỉ có mùng 1 Tết, ngày rằm hay mùng 1 hàng tháng, không ít bạn trẻ cũng đi chùa cầu duyên. Những năm ngày lễ Tình yêu 14-2 sát ngày rằm, càng có nhiều bạn trẻ đi lễ. Rồi đến ngày lễ Thất tịch (7-7 âm lịch) những năm gần đây, bạn trẻ lại đua trào lưu ăn chè đậu đỏ vì “nghe đồn” ăn chè đậu đỏ ai đang “FA” (độc thân) sẽ thoát ế ngay, ai có đôi có cặp sẽ bên nhau trọn kiếp. Tuy chỉ là lời kêu gọi cầu duyên vui vẻ nhưng lại được người trẻ hưởng ứng… mãnh liệt.
Ai trong đời cũng mong gặp gỡ một chữ “duyên” nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm được một nửa tâm đầu ý hợp. Thế nên, cần hiểu rõ ý nghĩa thực sự của việc đi chùa cầu duyên. Cầu duyên không đơn thuần chỉ là cầu tình yêu trai gái mà còn là những duyên lành khác đến trong đời. Giữa các mối nhân duyên trong cuộc sống, ta gặp còn có người thầy giỏi, người bạn tốt, đồng nghiệp tử tế… Bản chất ý nghĩa của việc đi lễ chùa là kiếm tìm điểm tựa tinh thần, sự an yên cho tâm hồn. Và cầu duyên đôi khi là mở rộng tấm lòng đón nhận những điều mới mẻ đến trong cuộc đời.
Trong nhịp sống hiện đại, người trẻ ngày càng bận rộn với công việc, học hành, không có nhiều thời gian tìm hiểu người khác, để nhận được những mối duyên lành. Họ vấp ngã, bế tắc mới nghĩ đến việc đi… chùa cầu xin. Thế nhưng, cầu duyên không phải “cầu được ước thấy” mà do phúc lành nhiều hay ít. Đường tình duyên hay phúc phần mỗi người khác nhau. Muốn có hạnh phúc, để duyên lành còn mãi, mỗi người nên hoàn chỉnh bản thân mỗi ngày, học cách ứng xử, giao tiếp tinh tế… Cứ thế, duyên lành tự nhiên đến.