Hiệu ứng tích cực từ “vitamin trực tuyến”

Dù thời gian giãn cách được kéo dài thêm để phòng chống dịch Covid-19,  nhưng nghệ sĩ không bị trì trệ mà vẫn tiếp tục sáng tạo. Họ, từ âm thầm học hỏi thêm để nâng cao chuyên môn, tìm cảm hứng sáng tác, tích trữ nguồn năng lượng, đến tung ra nhiều chương trình, sản phẩm trên không gian trực tuyến. 

Livestream và tương tác

 Mới đây, ca sĩ Bảo Anh thực hiện series âm nhạc Mood show phát trên kênh YouTube của mình. Tiếp theo, nữ ca sĩ Hoàng Yến Chibi cũng thực hiện dự án âm nhạc cá nhân mang tên Ở nhà cùng Hoàng Yến Chibi, cổ vũ tinh thần khán giả.

Các ca sĩ Nguyên Hà, Lân Nhã, Miko Lan Trinh, Rapper Dế Choắt... cũng thực hiện show âm nhạc tại nhà qua Fanpage, YouTube cá nhân. Thời gian giãn cách rất khó khăn với nghệ sĩ khi không được đi hát, nên hát trực tuyến là cách họ đến gần khán giả hơn, vừa đỡ nhớ nghề vừa tạo sản phẩm giải trí mùa này. 

Bên cạnh đó, có một show âm nhạc hay mà cứ 20 giờ 30 mỗi tối, không ít khán giả nhấn nút xem, là kênh livestream âm nhạc OpenShare. Sự linh hoạt kết nối, tương tác qua nhiều ứng dụng trực tuyến, khán giả nghe, xem và giao lưu có thể đến từ bất cứ nơi đâu. 

Đặc biệt nhất trong các chương trình là buổi Hòa nhạc trực tuyến quốc tế Chia sẻ để gần nhau hơn kêu gọi ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19. Đây là lần đầu tiên Việt Nam hòa nhạc với nhiều điểm cầu tại các thành phố như Hà Nội, TPHCM (Việt Nam); New York (Mỹ); London (Anh); Sydney, Melbourne (Australia); Skopje (Macedonia); Singapore; Tokyo (Nhật Bản)...

Toàn bộ dàn nhạc giao hưởng, nhạc trưởng, ca sĩ, khách mời đều ở những địa điểm khác nhau và quá trình tập luyện đều theo hình thức online. Ngay khi chương trình diễn ra, đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem, hơn 160.000 lượt truy cập website. Hơn hết, rất nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, cá nhân trong và ngoài nước kết nối đến buổi hòa nhạc đăng ký ủng hộ quỹ.

Hiệu ứng tích cực từ “vitamin trực tuyến” ảnh 1 Tùng Dương biểu diễn trong buổi hòa nhạc Chia sẻ để gần nhau hơn. Ảnh: FBNS

Khán giả Nguyễn Hải Đăng (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ, việc kết hợp âm nhạc và sự kiện văn hóa để kêu gọi ủng hộ thực sự là một ý tưởng hay, ý nghĩa vô cùng. “Mùa dịch như hiện nay, những tưởng nghệ thuật sẽ đóng băng, nhưng sự kết nối, khích lệ, động viên, sẻ chia từ âm nhạc mang lại tinh thần lạc quan cho người nghe, như làn gió tươi mát động viên tinh thần. Giữa bộn bề cuộc sống xáo trộn khi dịch kéo dài với diễn biến phức tạp, âm nhạc là liều thuốc chữa lành tâm hồn hữu hiệu”, anh Đăng nói.  

Sức sống truyền hình

Thời dịch bệnh, người người, nhà nhà tuân thủ việc hạn chế ra đường, ở nhà thường xuyên, vậy nên thú vui giải trí chỉ còn lĩnh vực truyền hình và các trang mạng xã hội. Đặc biệt, lĩnh vực sân khấu truyền hình thời gian qua được Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, giúp tạo nên không khí kịch truyền hình sôi nổi. Loạt vở diễn mới được đầu tư dàn dựng và phát sóng trong các chương trình Chuyện bốn mùa, Siêu thị cười, kịch dài, tạo nên sức cuốn hút với khán giả màn ảnh nhỏ.

Đặc biệt, mới nhất là chương trình Hài kịch 5 phút, vừa được đầu tư thực hiện, phát sóng mỗi tối lúc 20 giờ 50 phút trên kênh HTV9 và phát lại trên kênh HTV7 vào sáng hôm sau.

Hài kịch 5 phút là chương trình do HTV thực hiện, xây dựng các tiểu phẩm 5 phút theo tiêu chí nội dung súc tích, cô đọng, các thông tin thời sự đang được người dân thành phố quan tâm, sử dụng tiếng cười để châm biếm những tình huống, con người… gây ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng và công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: “Chúng tôi cùng chung tay thực hiện chương trình Hài kịch 5 phút thật chất lượng, góp phần tuyên truyền người dân cùng chung sức phòng chống dịch Covid-19, tuân thủ quy tắc 5K…; đồng thời tạo nên những tiểu phẩm hài giải trí, vui vẻ, lan tỏa tinh thần lạc quan đến người xem”.

Tính đến thời điểm này, chương trình Hài kịch 5 phút đã quay hình gần 20 câu chuyện, như: Nhậu online, Khỏe mà không đẹp, Không gian này là của ai?, Đánh cờ online, Tin vịt, Khúc ca ơn đời, Tưởng không vui... vui không tưởng, Mình thương nhau nhé… 

Hiệu ứng tích cực từ “vitamin trực tuyến” ảnh 2 Loạt phim truyền hình Việt đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Ảnh: FBNS
Trong khi đó, trên sóng truyền hình, mảng phim truyện đang nhận được chú ý của khán giả với nhiều bộ phim chất lượng: Mùa hoa tìm lại (phát sóng 21 giờ 30 vào thứ hai, ba, tư trên VTV3), Hương vị tình thân (21 giờ từ thứ hai đến thứ sáu trên VTV1), Hãy nói lời yêu (21 giờ 30 thứ năm, sáu trên VTV3), Canh bạc tình yêu (20 giờ từ thứ hai đến thứ bảy trên THVL1), Thương con cá rô đồng (14 giờ thứ bảy và chủ nhật trên VTV3), Cây táo nở hoa (20 giờ thứ hai, ba, tư trên HTV2 Vie Channel)… 

Theo thống kê từ Kantar Media - công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới về tư vấn - nghiên cứu thị trường, cung cấp dữ liệu, phim truyền hình luôn nằm ở vị trí cao trong tốp các chương trình truyền hình xem nhiều nhất tháng.

“Tôi xem không sót tập nào các phim đang lên sóng trên VTV. Ngoài nội dung câu chuyện, tôi rất thích cách diễn chân thật, tự nhiên của các diễn viên từ già đến trẻ. Đặc biệt, các phim trên sóng VTV phần lớn thu tiếng trực tiếp nên cũng tạo cảm xúc hơn so với phim truyền hình lồng tiếng”, chị Nguyễn Hương (quận 4, TPHCM) chia sẻ.  

Hiện sức nóng của phim truyền hình có sự cộng hưởng mạnh mẽ với mạng xã hội. Hầu hết trailer các tập phát sóng của Hương vị tình thân đạt triệu lượt xem với bình luận sôi nổi về những diễn tiến của các tập phim sắp lên sóng.

Tương tự, teaser, review, trích đoạn các bộ phim còn lại cũng thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.

Có thể nói, những ngày này, các liều “vitamin trực tuyến” đã góp phần đáng kể trong việc phục vụ đời sống tinh thần cho người dân trong những ngày giãn cách để phòng chống dịch Covid-19.

Theo đại diện VieON, đầu tháng 7-2021, ứng dụng này vượt qua 200 đối thủ khác giành vị trí tốp 1 ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên App Store (iOS) và đứng thứ hai trên CH Play (Android) ở Việt Nam.


“Số lượt truy cập vào ứng dụng mỗi ngày gấp 10 lần so với thời kỳ đầu năm nay. Thời gian khán giả xem các nội dung trên ứng dụng VieON ngày một tăng, kể cả thời gian xem trung bình cũng như số lượng nội dung mà khán giả xem mỗi ngày đều tăng lên đến 5 lần”, đại diện truyền thông VieON chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục