Trong ngày 3-2, một thông tin đáng chú ý là tại Hải Phòng, do thờ ơ với việc chống dịch Corona, một hiệu trường đã bị yêu cầu điều chuyển công tác.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã phê bình và yêu cầu Sở GD-ĐT Hải Phòng điều chuyển công tác đối với bà Nguyễn Thị Xã, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh, Hải Phòng) vì lơ là công tác chống dịch viêm phổi do virus Corona.
Yêu cầu này được đưa ra khi đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND TP Hải Phòng dẫn đầu đi kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại một số trường học và doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng.
Theo đó, tại thời điểm đoàn đến kiểm tra, nhà trường vẫn chưa tiến hành dọn dẹp tổng vệ sinh tại khu vực lớp học, bàn ghế chưa được lau chùi có nhiều bụi bẩn, bề mặt sàn các lớp học trong tình trạng nhếch nhác… cho thấy Ban Giám hiệu nhà trường đã lơ là ý thức, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.
“Việc dọn dẹp vệ sinh trường, lớp là việc làm thường xuyên, khi có dịch cần phải cẩn trọng, sạch sẽ hơn nhưng đối với Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, khi đoàn kiểm tra đến thì phòng lớp bẩn, có phòng còn nguyên vỏ đồ ăn từ lâu, một đống bài tú lơ khơ dọc hành lang lớp học. Đây là vấn đề buông lỏng quản lý, lơ là trách nhiệm đối với nghĩa vụ chính trị của toàn ngành được giao”, ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nhấn mạnh.
Ngoài Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, lãnh đạo Hải Phòng cũng đã kiểm tra, phê bình nghiêm khắc Hiệu trưởng Ngô Quang Hoài Trường THPT An Dương (huyện An Dương) vì để trường lớp mất vệ sinh trong khi đang phòng dịch Corona.
Tính đến 16 giờ 30 ngày 3-2, đã có 50 tỉnh, thành phố báo cáo Bộ GD-ĐT về việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Mới nhất là tỉnh Quảng Trị, với thời gian nghỉ từ ngày 4-2 đến 9-2 và tỉnh Hà Tĩnh với thời gian nghỉ từ ngày 4-2 đến khi có thông báo tiếp theo.
Về phía các trường đại học, đến thời điểm này trong 239/240 cơ sở giáo dục đại học báo cáo có 104/170 cơ sở đào tạo đã điều chỉnh lịch nhập học cho sinh viên lùi lại đến ngày 10-2-2020; 67 cơ sở vẫn nhập học theo lịch trong ngày 30-1-2020, 3-2-2020 hoặc trong tuần 6; 69 cơ sở đã có kế hoạch nhập học sau ngày 10-202020 (từ trước Tết).
Các cơ sở giáo dục đại học vẫn nhập học trong ngày 3-2-2020 và trong tuần 6 đã có các hướng dẫn sinh viên thông báo tình hình sức khỏe, cũng như việc đi lại trong thời gian nghỉ Tết để theo dõi.
Trong ngày 3-2, Bộ GD-ĐT cũng đã gửi công văn tới các sở GD-ĐT; các trường ĐH-CĐ hướng dẫn cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Bộ yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các sở GD-ĐT, trường ĐH-CĐ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tạm thời nghỉ học và xây dựng kế hoạch học bù trong khung kế hoạch thời gian năm học phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình giáo dục.
Trong thời gian trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học, tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tại địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tiến hành các biện pháp vệ sinh trường học, tẩy trùng 100% trường lớp, các thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường có các biện pháp quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian tạm nghỉ học và đề nghị các cha mẹ học sinh, sinh viên thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp quản lý và chăm sóc sức khỏe con em mình. Số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo Bộ GD-ĐT là 078.678.3535.
Bộ GD-ĐT cũng gửi thông báo tới các công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về việc phòng chống dịch bệnh...
Bộ GD-ĐT trấn an các công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài không hoang mang, cần bình tĩnh, chủ động trong việc phòng tránh dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Lưu học sinh nên cập nhật và thực hiện theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam và chính quyền nước sở tại về các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và chủ động phòng chống bệnh nCoV theo khuyến cáo. Không đi đến những vùng có dịch bệnh; hạn chế di chuyển tới chỗ đông người, tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Nếu có dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Tuân thủ quy định về xuất, nhập cảnh và quy định của các cơ sở giáo dục đang theo học tại nước sở tại để đảm bảo kế hoạch, chương trình học tập và phòng tránh dịch bệnh.
Bộ cũng nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT Việt Nam sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục các nước để đảm bảo việc học tập nếu lưu học sinh phải tạm dừng học trong thời gian dịch bệnh hoặc có sự di chuyển theo sắp xếp của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Việt Nam.
Bộ GD-ĐT khuyến cáo các lưu học sinh thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, người thân, cơ quan công tác tại Việt Nam.
Khi gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ giúp đỡ có thể liên hệ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc gọi ngay cho đường dây nóng bảo hộ công dân ở nước ngoài (+84) 981.84.84.84 để được trợ giúp, tư vấn.
Về phía Bộ GD-ĐT Việt Nam, lưu học sinh có thể liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT, địa chỉ tại 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: (+84) 243.869.5144 hoặc (+84) 365.12.74.07, email: htqt@moet.gov.vn để được trợ giúp.