1. Hồi nhỏ, tôi đọc say sưa tiểu thuyết Sống nhờ của nhà văn Mạnh Phú Tư. Qua nhiều bài phê bình, tôi được biết, Sống nhờ là một loại tự truyện, với nhân vật chính tên Dần cũng là hình ảnh của tác giả thời niên thiếu. Chính tự truyện Sống nhờ là tác phẩm văn học đã có tác động đến tâm lý, tình cảm của tôi khi còn tuổi thiếu niên.
Có một số tự truyện khác cũng để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc là truyện ngắn Đứa con người vợ lẽ của nhà văn Kim Lân, truyện ngắn Cái mặt không chơi được và tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Tôi chắc rằng, các tác phẩm này không phải là những lời kể khổ của các tác giả, mà đó chính là những sự phản ánh sinh động hiện thực xã hội. Ở đó, hình ảnh một xã hội thuộc địa nửa phong kiến của những năm trước Cách mạng Tháng Tám hiện ra nhiều vệt tăm tối, buồn bã với những con người như những bóng mờ của thời cuộc.
2. Viết tự truyện là một nhu cầu chính đáng. Người ta mượn tự truyện để kể lại cuộc đời mình – có sự phân biệt nhất định với dạng hồi ký, thường của những nhân vật có tên tuổi nhất định. Qua tự truyện, người ta bày tỏ lòng yêu – ghét đối với những vấn đề nào đó, những con người nào đó, cùng những tâm tư, khát vọng không chỉ vào thời điểm diễn ra sự kiện mà cả ngay lúc viết tự truyện. Ở Việt Nam, việc viết tự truyện chưa phổ biến, nhưng ở nhiều nước, tự truyện xuất hiện khá nhiều của những nhân vật đang được dư luận chú ý, như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ…
Thậm chí, có những người không có tên tuổi gì nhưng vì có liên quan tình ái hoặc tiền bạc với một nhân vật nổi tiếng cũng có thể viết tự truyện để… kiếm tiền. Xét ở một góc độ nào đó, tự truyện là một dạng “văn học thị trường”, đọc cho biết cái mà thiên hạ đang muốn biết, sau đó nhanh chóng đi vào quên lãng. Nó như một kiểu phim “mì ăn liền” với những sự kiện có phần thêu dệt, nhằm vào sự khát thông tin của một nhóm người chứ không phản ánh được hơi thở của thời cuộc, không có giá trị lưu trữ thông tin. Vì thế, không ít trường hợp, tự truyện với những nhận định chủ quan sai lầm đã gây những phiền toái cho tác giả, mà trường hợp tự truyện mới đây của cầu thủ Wayne Rooney với ông thầy cũ của mình ở Everton là một thí dụ.
3. Gần đây, ở Việt Nam, phong trào viết tự truyện có dịp nở rộ. Nhưng dường như xét về mặt động cơ, tự truyện hiện nay có hai loại: một là để giãi bày tâm tư, tình cảm của mình; hai là để tự đánh bóng hình ảnh của mình – nói một cách khác là tự lăng xê.
Ở loại thứ nhất, tác giả cố gắng lồng ghép những yếu tố cá nhân vào đặc điểm của thời cuộc, để chứng minh rằng mình là “sản phẩm” của thời cuộc. Loại tự truyện này dễ đi vào lòng người, vì rất nhiều người đọc thấy có mình đâu đó trong tự truyện… Nhưng ở loại thứ hai, chỉ có một số ít người đọc quan tâm, vì tính thông tin gói gọn trong cá nhân tác giả mà chỉ những người thực sự yêu thích tác giả – các fan – mới có nhu cầu tìm hiểu và chia sẻ. Không ít tác giả hoàn toàn xem tự truyện là một thủ thuật để đánh bóng tên tuổi, mà chẳng cần quan tâm đến việc có được chia sẻ hay không. Cách này cũng nằm trong một cái gọi là “công nghệ lăng xê” mà cách gây xì căng đan cũng rất được ưa chuộng.
4. Tóm lại, viết tự truyện là một nhu cầu có thực và đáng được quan tâm. Nhưng tự truyện cũng có nhiều loại. Nên xét theo động cơ để đánh giá tác giả. Nếu tác giả chỉ nhằm tự tôn vinh mình thì chẳng những không được tôn vinh, mà trái lại còn làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ trong lòng người đọc. Bên cạnh đó, người viết tự truyện cũng cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý như việc xâm phạm đời tư, việc thông tin sai sự thật, thậm chí là làm nhục, vu khống người khác bởi những nhận định chủ quan, thiên kiến của mình.
Và, tất nhiên, người đọc cũng cần có “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” khi đọc tự truyện để tự mình đánh giá, thay vì bị người viết lôi kéo vào “trận địa chữ nghĩa” của họ.
Bài tham dự xin gửi về Mục Diễn đàn Văn hóa, Báo Sài Gòn Giải Phóng 438 Nguyễn Thị Minh Khai Q. 3. Hoặc địa chỉ Email: ngulongsggp@yahoo.com.vn |
NGUYỄN MINH HẢI