
Sau vụ scandal về một nhạc sĩ có ca khúc nổi tiếng bị tố cáo là chép gần giống như một đoạn nhạc của nước ngoài, từ đấy, dường như môi trường văn hóa Việt Nam cũng bắt đầu bị cuốn vào cái không khí vẩn đục của từ “ đạo”.

Trước tiên là đạo nhạc, và với sự “nhiệt tình, sôi nổi để lôi ra ánh sáng” của một số tờ báo, đã từng có những nhạc sĩ tài năng như Trần Tiến, Thanh Tùng, Thế Hiển cũng bị lôi vào “vòng vây ô nhiễm” ấy một cách vô tội vạ.
Nhiều tên tuổi bị bêu lên mặt báo bằng những bài viết to tướng, nhưng sau đó những dòng nói lại chỉ bằng một con tem. Đó là điều rất không công bằng mà nhiều nhạc sĩ chân chính đã từng bày tỏ nỗi bức xúc trong Hội Âm nhạc.
Sau đó là chuyện đạo văn, cũng lại nổi lên giữa hai nhà văn ở hai miền Nam Bắc, cũng chỉ là nghi vấn về những chi tiết giống nhau giữa hai tác phẩm. Nhưng làm cách nào để khẳng định ai là người “chôm” ý tưởng của ai, trong khi mỗi người một giọng điệu, một mạch văn và tư tưởng chủ đề thì hoàn toàn khác.
Chuyện văn mới vừa nguôi, thì bây giờ lại mở ra chuyện đạo ở lãnh vực sân khấu. Lại có bài báo viết về những chi tiết giống nhau giữa vở kịch của IDECAF “Người đàn bà không ngủ” và một bộ phim sex cấp ba Hàn Quốc “ Summer time”.
Và ở đây, chính tác giả Phạm Hữu Thông đã không hề phủ nhận chuyện nhân xem bộ phim và cảm tác từ chi tiết cô gái bị tên cảnh sát hãm hiếp và mang về làm vợ. Thực sự, vấn đề này cần phải xem xét thật nghiêm túc, bởi đây thuộc về danh dự nghề nghiệp và phẩm giá đạo đức của một con người.
Tác giả Phạm Hữu Thông đã rất thực lòng khi nói đến những chi tiết giống nhau giữa phim và kịch. Ai là người đã từng xem qua vở kịch và bộ phim trên cũng đều thấy những cái giống và khác nhau rất rõ. Cái giống tức là sự kiện và nhân vật, còn cái khác chính là chủ đề, là tính tư tưởng.
Phim chỉ là chuyện tên cảnh sát nuôi cô gái trong căn phòng kín đáo. Rồi cô ta ngoại tình với một kẻ sống ở lầu trên căn nhà, bị anh ta bắt gặp, bắn chết người tình, rồi tự tử. Cô ta sau khi sinh con đã bỏ con lại và cũng tự tử. Một câu chuyện bình thường về mối tình tay ba, và chỉ là một cái cớ để nhà làm phim thể hiện những cảnh sex.
Còn với “ Người đàn bà không ngủ”, vấn đề được đặt ra hoàn toàn khác. Đây là câu chuyện đau thương của một cô bé mới 14 tuổi đã bị tên cảnh sát hiếp và mang về làm vợ. Cô bé bị trầm cảm vì những trận đòn hằng đêm của tên cuồng dâm. Một anh sinh viên đã lẻn vào với cô những khi tên cảnh sát vắng nhà.
Và máu đã đổ khi tên cảnh sát trở về trong đêm. Cô bé bơ vơ vì kẻ nuôi cô đã vào tù, một anh ca sĩ nhận trả tiền nhà và cả xóm đã cùng bảo bọc cho cô gái. Tên cảnh sát ra tù, anh sinh viên không chết trở về, cùng với anh ca sĩ, ba người đàn ông đã gặp nhau trong đêm. Cô gái đã chấp nhận qua đêm với cả ba người đàn ông như một bản năng.
Cả ba đều lợi dụng thân xác cô, nhưng chưa có ai thực tình trân trọng và yêu cô như thằng Khùng. Nên cuối cùng cô đã chấp nhận Khùng là chồng và hạnh phúc với đứa con mới ra đời. Khùng vì mua hủ tiếu cho vợ nên bị xe cán chết. Mãnh lực của tình mẫu tử đã giúp cô gái yếu đuối mang thân phận tầm gửi tự mình thoát ra khỏi căn nhà u tối để đi tìm cuộc sống đúng nghĩa cho mình…
Tính tư tưởng của vở kịch chính là cái hồn toát ra từ tình làng nghĩa xóm của một xóm nghèo, là sự hồi sinh của một thân phận con người ở dưới tận cùng của đau khổ. Tưởng như cô gái nhỏ chỉ còn là món đồ chơi thụ động, vô cảm trước mọi buồn vui cuộc đời, nhưng chính đứa con đã vực cô dậy. Và cô đã trở lại đúng nghĩa một con người.
Cảm tác một vài chi tiết từ bộ phim hay từ chính cuộc đời thật để làm nên một tác phẩm hay, đó là việc đáng mừng hơn là đáng lên án. Vì vậy xin hãy thận trọng khi chúng ta gán từ “đạo” cho một ai đó mà không có sự xem xét một cách thấu đáo và chân tình…
BÍCH CHÂU