Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38 về tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% kể từ ngày 1-7. Với thông tin này, hiện nay, nhiều người vẫn đang hiểu rằng, sắp tới, mức lương, thu nhập của người lao động trên cả nước sẽ được tăng thêm. Nhưng thực tế thì đây chỉ là quy định của Chính phủ về mức lương “sàn” (tối thiểu) để người sử dụng lao động phải trả cho người lao động (tức là không được thấp hơn mức quy định); và cũng không phải áp dụng rộng rãi cho tất cả các khu vực có quan hệ lao động, mà chỉ áp dụng ở khu vực sản xuất (doanh nghiệp).
Theo các chuyên gia lao động việc làm, thực tế mức tăng lương tối thiểu sắp tới cũng không thêm được bao nhiêu. Cụ thể, với mức tăng 6%, kể từ ngày 1-7, mức tối thiểu ở vùng 1 sẽ là 4.680.000 đồng (tăng 260.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất); còn vùng 4 sẽ là 3.250.000 đồng (tăng thêm 180.000 đồng/tháng - mức tăng thấp nhất); các vùng 2 và 3 cũng chỉ tăng tương ứng 240.000 và 210.000 đồng.
Còn theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐTB-XH, thực tế hiện nay, hầu như các doanh nghiệp đều trả cho người lao động mức lương cao hơn mức tối thiểu nêu trên (ví dụ mức tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 đã là 7,84 triệu đồng/tháng - cao hơn nhiều mức lương tối thiểu sẽ được áp dụng từ ngày 1-7). Vậy nhưng ở nhiều nơi, đời sống của công nhân, người lao động nói chung vẫn đang rất khó khăn, vất vả so với mặt bằng giá cả. Trong khi tình trạng trượt giá vẫn đang diễn biến do tác động tâm lý từ giá xăng, dầu tăng kỷ lục (6 tháng đầu năm nay đã điều chỉnh 15 lần; trong đó 3 lần giảm, 12 lần tăng với tổng mức tăng 7.967-8.505 đồng/lít).
Mới đây nhất, lãnh đạo Bộ LĐTB-XH cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký chung một văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương hướng dẫn cho doanh nghiệp và người lao động về việc triển khai Nghị định số 38. Trong đó, các cơ quan này đề nghị cần lồng ghép để hướng dẫn, giúp người dân hiểu rõ hơn về tăng lương tối thiểu, tránh những ngộ nhận, gây ra hiệu ứng tâm lý tăng giá hàng hóa.