PV Báo SGGP đã trao đổi với Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng về nội dung này.
- Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG: Sản phẩm Help 114 là kết quả của đề tài khoa học cấp thành phố, đã được Sở KH-CN TP phê duyệt nghiên cứu năm 2016, được Hội đồng khoa học TP nghiệm thu năm 2018. Hội đồng khoa học đánh giá cao Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã ứng dụng sáng tạo công nghệ định vị và công nghệ live stream, đây là những công nghệ mới của nền tảng di động để tạo thành một ứng dụng chuyên dùng cho Cảnh sát PCCC-CNCH. Đây là ứng dụng mà nhiều nơi trên thế giới chưa có, ở Việt Nam thì chưa có ứng dụng nào tương tự.
Một số hệ thống cứu nạn khẩn cấp ở một số nước cũng cung cấp chức năng định vị và video, hình ảnh. Tuy nhiên, những hệ thống này dựa trên camera và máy định vị lắp sẵn tại trung tâm thương mại, ngân hàng và đường giao thông. Những hệ thống này tốn kém hàng trăm triệu USD và mang tính cố định. Trong khi đó, giải pháp ứng dụng Help 114 mang tính cơ động, gọn nhẹ và hầu như không tốn kém khi tận dụng chính điện thoại di động của người dân làm thiết bị đầu cuối truyền phát thông tin (vị trí, tin nhắn, hình ảnh, video) về cho PC07.
Ngoài việc ứng dụng sáng tạo công nghệ định vị và live stream phục vụ chỉ huy chữa cháy và CNCH, nhóm nghiên cứu còn sáng tạo ra sản phẩm Help 114 với nhiều tính năng hữu ích rất cần thiết cho người dân, như chức năng “SOS người thân”, chức năng “report” (phản ánh), chức năng “cảnh báo sự cố”.
Cụ thể: Với chức năng “SOS người thân”, chỉ cần một nút nhấn, 3 số điện thoại người thân được cài đặt sẵn trong điện thoại người bị nạn sẽ nhận được tin nhắn SOS có nội dung kêu cứu được cài đặt sẵn, đồng thời nhận được link định vị trí người bị nạn trên bản đồ số để người thân biết chính xác vị trí người bị nạn và đến cứu kịp thời; đồng thời điện thoại sẽ tự quay số gọi đến số của người thân đầu tiên được cài đặt trong điện thoại.
Với chức năng report (phản ánh): Giúp người dân khi thấy tai nạn, sự cố cần cảnh báo đến mọi người hoặc khi có vấn đề khẩn cấp liên quan đến an ninh trật tự cần phản ánh; người dân có thể chụp ảnh gửi đến Tổng đài khẩn cấp 114 biết để điều động lực lượng phương tiện đến hỗ trợ, kiểm tra, xử lý, hoặc chuyển thông tin đến cơ quan có chức năng xử lý.
Với tính năng cảnh báo sự cố, người dân sẽ nhận được cảnh báo ngay lập tức mỗi khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn TP, để họ biết vị trí địa điểm vụ việc và đến hỗ trợ hoặc để phòng tránh; nâng cao ý thức đề phòng cháy nổ, tai nạn, sự cố. Ngoài ra, người dân còn nhận được các hướng dẫn các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn cứu hộ để xử lý tình huống có hiệu quả hơn khi gặp các tai nạn, sự cố hoặc cháy nổ.
* Nhiều người vẫn rất lo lắng về tính bảo mật của ứng dụng, việc lộ lọt thông tin có thể ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, ông đánh giá ra sao về việc này?
- Người dân TPHCM có thể yên tâm vì những thông tin của người dùng ứng dụng được mã hóa, chỉ Trung tâm chỉ huy của PC07 là nơi duy nhất tiếp nhận thông tin từ ứng dụng Help 114. Những thông tin này được lưu trữ trên servers được bảo mật của đơn vị chuyên nghiệp. Chỉ những cán bộ với tài khoản được cấp mới được truy cập vào trang tiếp nhận và xử lý các thông tin do người dùng gửi đến.
* Sở KH-CN có định hướng gì trong việc nâng cấp, phát triển và nhân rộng sản phẩm Help 114 cho các địa phương khác?
- Lãnh đạo Bộ Công an đánh giá rất cao tính hiệu quả của ứng dụng Help 114 và mong muốn ứng dụng được nhân rộng. Chủ trương của lãnh đạo TPHCM là luôn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhân rộng, phát triển những sản phẩm KH-CN có tính sáng tạo, mang lại giá trị cho TP, phục vụ lợi ích của người dân TP nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Với sản phẩm Help 114, chúng tôi sẽ giao chủ nhiệm đề tài phối hợp các đơn vị có tiềm lực KH-CN của TP tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, mở rộng, phát triển hoàn thiện sản phẩm với nhiều chức năng để phục vụ TP. Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng tham mưu đề xuất UBND TPHCM chuyển giao sản phẩm này cho các địa phương khác được sử dụng để phục vụ người dân địa phương khi có yêu cầu đề nghị.