5 ngành hàng chủ lực
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, quan điểm của tỉnh là xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, dựa trên yếu tố “hợp tác - liên kết - thị trường” và “giảm chi phí - tăng chất lượng - chế biến tinh”. Cụ thể, nội dung của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp mang tính thực tiễn, lấy tư tưởng phát triển chuỗi ngành hàng làm chủ đạo; Đồng Tháp xác định 5 ngành hàng chủ lực (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt) dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường để tập trung phát triển.
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho thấy, giá trị sản xuất của ngành hàng lúa gạo đến năm 2020 đạt 15.724 tỷ đồng (tăng 1,77% so với năm 2015, tương ứng 273,2 tỷ đồng). Nhờ đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững và giảm chi phí đã giúp lợi nhuận tăng 12,9-28,6 triệu đồng/ha. Tỉnh chú trọng phát triển chế biến sâu các sản phẩm sau gạo mang lại giá trị gia tăng cao; đồng thời xây dựng thương hiệu, kết nối và phân phối vào các hệ thống bán lẻ lớn trong cả nước. Đối với ngành hàng xoài, đến năm 2020 đạt 2.009 tỷ đồng (tăng 28,2% so với 2015, tương ứng giá trị 442,4 tỷ đồng). Các HTX và nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xử lý sau thu hoạch và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng xoài tươi; sản phẩm giá trị gia tăng từ xoài giúp lợi nhuận tăng 30%-40%.
Ngành hàng cá tra đến năm 2020 đạt 7.419 tỷ đồng (tăng 13,8% so với 2015, tương ứng 898 tỷ đồng). Đến nay nhiều doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và quản lý chất lượng hiệu quả, giúp lợi nhuận bình quân hàng năm đạt hơn 500 triệu đồng/ha; cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm (1.509ha) để truy xuất nguồn gốc. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và chế biến xuất khẩu gồm 20 DN chế biến (chiếm khoảng 60% diện tích nuôi); 96% sản phẩm từ cá tra phục vụ xuất khẩu (khoảng 134 quốc gia và vùng lãnh thổ). Đối với giá trị sản xuất của ngành hàng vịt năm 2020 đạt 721,7 tỷ đồng (tăng 31,9% so với 2015, tương đương 174,4 tỷ đồng). Kết quả trên là nhờ thay đổi tập quán sản xuất từ nuôi vịt chạy đồng nhiều rủi ro sang nuôi nhốt có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Riêng giá trị sản xuất hoa kiểng đến năm 2020 đạt 4.656 tỷ đồng (tăng 293% so với 2015, tương ứng 3.472 tỷ đồng), lợi nhuận bình quân hàng năm 300-500 triệu đồng/ha. Tỉnh đã thành lập 4 HTX, 27 tổ hợp tác, 8 hội quán... nhằm tạo sự kết nối giữa nông dân và DN, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt các mô hình du lịch trải nghiệm tại Làng hoa Sa Đéc. Sự phát triển của ngành hoa kiểng đã thật sự lan tỏa đến các địa phương khác giúp người dân có lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích canh tác.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, để ngành nông nghiệp chuyển đổi nhanh và bền vững, tỉnh chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Đồng Tháp đã duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Từ năm 2016 đến nay, có 75 dự án (chiếm 42% dự án toàn tỉnh) được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp: chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản, chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cấp nước...
Ngoài ra, Đồng Tháp chú trọng phát triển mạnh các mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng và trải nghiệm như: du lịch Làng hoa Sa Đéc, tham quan vườn cam quýt ở huyện Lai Vung, mô hình cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười”, Làng du lịch Tân Thuận Đông... Các tổ chức cộng đồng là “cầu nối” tiếp xúc DN và các chuyên gia tư vấn kỹ thuật, quản trị sản xuất giúp HTX và xã viên hoạt động hiệu quả.
Có thể nói, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng “hợp tác - liên kết - thị trường” và “giảm chi phí - tăng chất lượng - chế biến tinh”, thích ứng với biến đổi khí hậu đã tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị phù hợp xu thế người tiêu dùng.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái...
Thống kê của Sở NN-PTNT, đến năm 2020, dư nợ cho vay ứng dụng cơ giới hóa đạt 111,24 tỷ đồng với 210 máy gặt đập liên hợp, 202 máy cày, 64 máy kéo thu hoạch, 58 máy xới và 35 máy móc, thiết bị khác... đã góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 178 HTX nông nghiệp; 934 tổ hợp tác, 106 trang trại đang hoạt động có hiệu quả. Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp là 2 tỷ đồng (tăng 565 triệu đồng), lợi nhuận bình quân 1 HTX là 254 triệu đồng, thu nhập bình quân 48 triệu đồng/năm/lao động thường xuyên. Một số HTX có cách làm mới như sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, mô hình xây dựng niềm tin với khách hàng (mô hình Ruộng nhà mình, Cây xoài nhà tôi, Cây cam vườn tôi); mô hình du lịch nông nghiệp... |