Hiệu quả từ hợp tác
Từ nhiều năm nay, khu vườn gần 2ha chuyên trồng các loại rau củ quả của gia đình anh Nguyễn Đức Huy (phường 10, TP Đà Lạt) được nâng cấp, cải tiến kỹ thuật gieo trồng, áp dụng công nghệ cao. “Trước đây, những giỏ nhựa, khuôn đựng giá thể, ống dẫn nước… phải nhập từ nước ngoài nên khá tốn kém. Sau khi biết được một đơn vị tại TPHCM chủ động được công nghệ đóng, dập khuôn, chúng tôi đã liên hệ và được chuyển giao phục vụ sản xuất rau an toàn công nghệ cao. Rau củ sau thu hoạch thì gần 90% lại được đưa đi tiêu thụ tại chuỗi các cửa hàng nông sản ở TPHCM”, anh Huy tâm sự. Anh cho biết thêm, hàng ngàn nhà vườn khác ở Lâm Đồng cũng đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa mạnh mẽ từ TPHCM…
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Thị trường tiêu thụ nội địa chính của rau Lâm Đồng là TPHCM, chiếm khoảng 60%. Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp TPHCM thực hiện 4 mô hình trên diện tích 50ha, gồm 9 chủng loại rau. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả các loại, cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, trong đó có 25 cơ sở sản xuất được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn”.
Còn tại Gia Lai, có mặt tại trang trại chăn nuôi bò Trung Nguyên của Công ty Thagrico (có trụ sở ở TPHCM), ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho biết, dự án của công ty này triển khai từ năm 2019, đến nay đã nuôi được 34.000 con bò. “Sau khi đầu tư, công ty đóng góp rất lớn cho địa phương. Cụ thể, công ty đang thuê 700 lao động là người dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách với mức lương từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương mơ ước đối với người dân đồng bào tại chỗ”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH-ĐT Gia Lai, giai đoạn 2010-2021, các doanh nghiệp TPHCM đã đầu tư 34 dự án vào Gia Lai với tổng số vốn 15.090 tỷ đồng, tập trung một số lĩnh vực trọng điểm như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hợp tác toàn diện
Các doanh nghiệp TPHCM đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại vùng Tây Nguyên, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Điển hình như Công ty Nông nghiệp Nhất Thống (huyện Nhà Bè, TPHCM) đã đầu tư trang trại nông nghiệp hữu cơ với quy mô 300ha, tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk). Đến nay, hàng chục hécta trồng rau củ quả, cây ăn trái theo hình thức hữu cơ tại đây được sản xuất và đưa tiêu thụ ngược về TPHCM.
Theo đánh giá của UBND TPHCM, trong những năm qua, TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể, như trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, TPHCM đã triển khai thực hiện tốt vai trò kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường tại các địa phương. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu cũng tạo hiệu ứng lan tỏa, chất lượng hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định, góp phần bình ổn thị trường.
Riêng tại Đắk Nông, các doanh nghiệp TPHCM tham gia tổ chức các hội chợ triển lãm hàng hóa và chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình “Hàng Việt về nông thôn” để phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, với tổng số chương trình khuyến mại là 685 chương trình, tổng trị giá khuyến mại hơn 2.249 tỷ đồng. Còn tại Lâm Đồng, chuỗi cung ứng các sản phẩm thế mạnh gắn với nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho thị trường TPHCM thông qua hệ thống kênh phân phối (hệ thống siêu thị, chợ đầu mối…) đã phát huy vai trò, cung cấp sản phẩm nông sản cho TPHCM trong các đợt thực hiện giãn cách xã hội theo quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, những hợp tác chuyên sâu giữa TPHCM với các địa phương vùng Tây Nguyên dựa trên từng thế mạnh của mỗi địa phương sẽ là hướng đi chính trong xu hướng mới như: lĩnh vực năng lượng tái tạo (Kon Tum, Gia Lai); nông nghiệp công nghệ cao (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông); cây dược liệu (Kon Tum, Gia Lai); công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản (Gia Lai, Đắk Lắk); du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao, liên kết tiêu thụ nông sản (Lâm Đồng)… kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực để vùng Tây Nguyên bứt phá trong thời gian tới.