Khẩn trương, tích cực triển khai
Với 44 cơ chế, chính sách thuộc 4 nhóm lĩnh vực: làm tăng nguồn lực tài chính, biến tiềm năng thành nguồn đầu tư, khai thác đầu tư và tổ chức bộ máy, cán bộ được kỳ vọng tạo động lực trong bối cảnh TPHCM đang đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, cả việc xử lý dứt điểm những tồn đọng và triển khai nhiều việc theo yêu cầu mới. Với nhiều cơ chế, chính sách đã và sẽ được trao, TPHCM được xem là trung tâm thử nghiệm thể chế cho quá trình đổi mới, sáng tạo trong thời kỳ mới.
Từ khi Nghị quyết 98 có hiệu lực (ngày 1-8-2023) đến nay, TPHCM đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, tích cực. Trong đó, HĐND TPHCM đã ban hành 25 nghị quyết cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 98, nổi bật là các nghị quyết quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; nghị quyết về xây dựng các công trình đường bộ theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); nghị quyết về mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo…
HĐND TPHCM đã quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm 2.800 tỷ đồng. HĐND TPHCM cũng đã triển khai việc thành lập Sở An toàn thực phẩm; tăng nhân sự cho UBND huyện thuộc thành phố và cho các phường, xã có đông dân cư (từ đủ 50.000 dân trở lên); quy định mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực có nhu cầu cần thu hút.
Ngoài ra, nhiều nội dung phân cấp, ủy quyền đã được UBND TPHCM triển khai. Trong đó có việc ủy quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức và UBND các quận quyết định về đầu tư công nhóm C. Từ cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98, UBND TP Thủ Đức đã thành lập một số trung tâm, trong đó có Trung tâm hành chính công (mô hình 1 cửa) nhằm phục vụ dân tốt hơn.
Kỳ vọng tạo nên bước chuyển mới
Hiện nay, TPHCM đang nhanh chóng rà soát những vướng mắc để khởi động lại những công trình “đóng băng” và chuẩn bị khởi công những công trình mới theo các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng TOD, tiếp tục thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, áp dụng các loại hợp đồng BOT, BT.
Những công trình hạ tầng mà TPHCM đang tập trung là công trình giao thông, giải tỏa những điểm ùn tắc, gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển nhà ở và cải tạo môi trường; những công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, khắc phục tình trạng quá tải về trường học, bệnh viện, thiếu cơ sở vật chất dành cho thể thao…
TPHCM đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên thông qua những việc làm cụ thể, phù hợp với yêu cầu phát triển trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là triển khai các chương trình hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, tạo sự thông thoáng các cửa ngõ TPHCM.
Ngoài dự án đường Vành đai 3 đang được triển khai, TPHCM còn chuẩn bị cho tuyến đường Vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM với vùng Đông Nam bộ và các vùng lân cận, tạo tiền đề phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng, các địa phương trong cả nước.
Trong sự phấn đấu, TPHCM đang quan tâm đề xuất cơ chế vận hành của mô hình chính quyền đô thị, mô hình thành phố trong thành phố và tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Trung ương về phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Việc này nhằm tạo sự chủ động hơn về biên chế công chức, viên chức, về sắp xếp bộ máy sở, ngành, phòng, ban với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, làm giảm áp lực và rủi ro cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ…
TPHCM có vai trò quan trọng, có tiềm năng và nguồn lực phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội xác định phương hướng, nhiệm vụ và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Kỳ vọng TPHCM sẽ tạo nên bước chuyển mới và quá trình thực hiện Nghị quyết 98 sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế về xây dựng chính quyền đô thị.