Theo đề án, trong giai đoạn 2016-2020, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang có sự suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2011-2015. Vốn ký kết giai đoạn 2016-2020 là 12,99 tỷ USD, giảm tới 51% so với giai đoạn 2011-2015. Cùng kỳ, tổng vốn giải ngân trong giai đoạn này ước đạt 13,6 tỷ USD, giảm khoảng 41% so với giai đoạn 2011-2015 (bình quân mỗi năm giảm 16%).
Sở dĩ có sự sụt giảm trong việc huy động và giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời gian qua chủ yếu là do Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, các nhà tài trợ có sự điều chỉnh chính sách cung cấp vốn, đặc biệt là vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được đầy đủ thì nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực hết sức quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Chính phủ đang tái cơ cấu nợ theo hướng tăng dần vay trong nước, nhưng quy mô và mức độ phát triển của các nguồn vay trong nước đều có những hạn chế nhất định về phạm vi và mục đích vay.
Đặc biệt, đối với ngân sách địa phương, vay lại vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là nguồn phù hợp nhất để tăng chi đầu tư phát triển vì vốn vay nước ngoài có tính chắc chắn hơn, ít bị tác động của thị trường vốn ngắn hạn trong và ngoài nước, đảm bảo sự chủ động trong suốt thời gian thực hiện.
Trên thực tế, Việt Nam cũng có tiềm năng thu hút được lượng vốn ODA lớn. Bộ KH-ĐT ước tính, Việt Nam có thể thu hút 25,82 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vốn vay ODA chiếm khoảng 30,9%, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chiếm khoảng 64,8%, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4,3%. Nếu tính thêm lượng vốn chuyển tiếp từ giai đoạn trước, khả năng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 sẽ cao hơn.
Có nhu cầu và có thể vay, nhưng vẫn còn hai vấn đề khác có liên hệ hữu cơ với nhau và thậm chí là quan trọng nhất: khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn. Chính vì thế, các khoản vay mới cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách…
Để đảm bảo khả năng trả nợ, nguyên tắc căn bản đã được xác định là vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Ngay từ khâu đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cần xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới các chỉ tiêu nợ công, ngân sách, cũng như khả năng trả nợ trong tương lai… Những dự án có điều kiện quy định gây bất lợi cho Việt Nam hoặc có khả năng vay vốn trong nước thì không vay.
Về hiệu quả sử dụng vốn, cần khắc phục cho được căn bệnh kinh niên là chậm giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ODA. Trong 11 tháng qua, giải ngân vốn ODA mới đạt 21,51% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều địa phương giải ngân vốn ODA đạt rất thấp, một số địa phương trong 11 tháng qua chỉ đạt dưới 20% như Quảng Nam, Kon Tum… Nguồn lực quý giá ODA không được đưa vào sử dụng, trong khi vẫn phải trả chi phí vay, nên hiệu quả thấp là điều đã trông thấy trước.
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên ban hành những chỉ đạo thúc đẩy công tác này, đề án một lần nữa đã khẳng định yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA. Điều này phải là nhiệm vụ xuyên suốt, để nguồn lực ODA sớm phát huy hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.