Khấm khá nhờ nuôi dê
Tỉnh Đồng Nai hiện có đàn dê khoảng 40.000 con và những nơi có đồng cỏ rộng lớn, nhiều phụ phẩm nông nghiệp tại các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành, Cẩm Mỹ, Tân Phú... rất phù hợp cho nông dân đầu tư nuôi dê thịt. Anh Trịnh Đình Xuân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) nuôi 150 con dê thịt, cho biết, hiện giá dê thịt khoảng 120.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so thời cao điểm dịch Covid-19 nên người nuôi dê rất phấn khởi. Anh Xuân cho biết thêm, thời điểm dịch Covid-19, các hộ chăn nuôi giảm đàn, treo chuồng nhưng hiện giờ, các dịch vụ ăn uống nhộn nhịp trở lại, nhu cầu tiêu thụ thịt dê rất lớn.
Đàn dê của gia đình anh Trịnh Đình Xuân, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng |
Tại tỉnh Bình Phước, hàng trăm hộ dân ở 2 huyện biên giới giáp Vương quốc Campuchia là Lộc Ninh và Bù Đốp đang thu nhập khá nhờ nghề nuôi dê. Gia đình anh Phạm Đình Dũng (ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) nuôi hơn 100 con dê. Năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá dê bắt đầu tăng, giữ mức ổn định từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, gia đình anh Dũng thu về khoảng 200 triệu đồng. Một trong những mô hình nuôi dê thành công, giúp nhiều hộ dân khấm khá phải kể đến Tổ hợp tác nuôi dê sạch xã Tân Thành, huyện Bù Đốp. Tổ hợp tác có 40 thành viên, với tổng đàn hơn 1.600 con dê cái và 40 con dê đực được nuôi từ nguồn thức ăn là cây cỏ tự nhiên, đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động nữ, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho từng thành viên tham gia tổ hợp tác.
Thận trọng khi tăng đàn
Theo ghi nhận, tại huyện Cẩm Mỹ, một trong 3 địa phương có nhiều hộ nuôi dê nhất tỉnh Đồng Nai, nhiều hộ chăn nuôi dê đang bỏ vốn làm chuồng, mua con giống đầu tư để tăng đàn, bù lại thời gian thua lỗ do ảnh hưởng dịch Covid-19 trước đó. Ông Trần Văn Hùng, hộ nuôi dê tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ, 2 năm trước người nuôi lỗ nặng do dịch bệnh Covid-19, thịt dê không xuất sang thị trường Trung Quốc được và giá bán thấp. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá dê ổn định ở mức 90.000-120.000 đồng/kg, tính bình quân, người nuôi có thể thu lãi 1,6 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, vấn đề kết nối đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ vẫn đang gặp khó vì đa số là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, HTX đều bán sản phẩm cho thương lái địa phương nên giá còn thấp. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ khuyến cáo các hộ chăn nuôi dê không nên tăng đàn ồ ạt vì thời điểm này giá nguyên liệu đầu vào vẫn cao; để đảm bảo hiệu quả kinh tế, người nuôi chỉ tái đàn, tăng đàn khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và trong quá trình nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Ông Ngô Đức Nhật ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, gia đình ông có hàng trăm con dê thịt không thể bán vì giá thấp. Từ giữa năm 2022 đến nay, giá dê tăng nên ông đã xuất bán hàng chục đợt. Hiện nay, đàn dê của ông Nhật luôn giữ ổn định khoảng 60-70 con, mỗi đợt xuất bán từ 7-10 con dê thịt cho thương lái.
Đặc biệt, HTX Kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) có 45 thành viên, vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng đang có cách làm hay mang lại hiệu quả cao là vừa chăn nuôi vừa kinh doanh thịt dê, giúp xã viên tăng thêm nguồn thu từ bán thịt dê sạch. Bà Trần Thị Ngọ, Giám đốc HTX Kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp, cho biết, xã có vài trăm hộ chăn nuôi dê với nhiều quy mô, hiện giá dê tăng khá cao nên hầu hết người nuôi dê đều tăng đàn, nhưng chỉ nên tăng thêm một ít, nhằm tránh tình trạng tăng đàn ồ ạt.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh có hơn 17.000ha hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 diện tích được trồng bằng nọc cây sống, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Trước tình trạng giá tiêu bấp bênh như hiện nay, việc dê được giá đã giúp cho nhiều nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện giá dê tăng cao khiến người dân phấn khởi nhưng sở vẫn khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tăng đàn nhằm tránh rủi ro, thua lỗ.