Tiện cả đôi đường
Giữa trưa đầu tháng 3, chạy dọc trên con đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TPHCM) rất dễ dàng nhận ra ngôi nhà của ông Võ Thế Triều Phong nhờ ánh nắng phát sáng từ những tấm pin năng lượng ĐMT lắp đặp trên mái nhà của ông. Bước vào bên trong ngôi nhà, không khí mát lạnh với nhiều tiện nghi sử dụng điện như máy lạnh, tủ lạnh, tivi… Ông Phong cho biết, sau khi tìm hiểu các chính sách, quy trình, gia đình đã quyết định lắp đặt 8 tấm pin với thông số kỹ thuật ước tính trung bình hàng ngày sản xuất ra khoảng 12kW - 14kW, cơ bản có thể đáp ứng đầy đủ nhiều đồ điện trong gia đình, đặc biệt có thể mở máy lạnh, quạt máy mà không sợ tốn tiền điện.
“Ban đầu tôi cũng lo lắp tấm pin không đạt hiệu quả như quảng cáo của công ty lắp đặt. Nhưng nay thấy hiệu quả cao từ tấm pin năng lượng mặt trời, chúng tôi đang tính nghiên cứu tiếp tục lắp thêm, tính về lâu về dài thì tiết kiệm rất nhiều. Trước đây gia đình trả tiền điện một tháng khoảng 1,2 triệu đồng, nhưng từ khi lắp pin năng lượng mặt trời thì chỉ còn trả 400.000 đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí đầu tư 8 tấm pin với giá 60 triệu đồng, được bảo hành 10 năm và tuổi thọ pin kéo dài 25 năm. Những tấm pin này chỉ lau chùi sạch thì năng suất càng cao. Điện năng lượng mặt trời áp mái chỉ sử dụng được ban ngày, gắn với điện kế hai chiều, sau khi mặt trời xuống, gia đình sử dụng điện truyền tải. Điều này, cũng giống như sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời”, ông Phong giải thích.
Tương tự, ông Phạm Hồng Đức (quận Tân Bình) chia sẻ, gia đình lắp 48 tấm pin năng lượng ĐMT áp mái từ tháng 5-2018, sau đó nhận thấy mặt tiện ích rất nhiều: một tháng tiết kiệm khoảng 2.000kW. Không những thế, những tấm pin này còn sản xuất dư và truyền tải lại ra cho điện quốc gia. Dẫn chứng hóa đơn tháng 2-2019 qua phần mềm của năng lượng ĐMT áp mái, những tấm pin năng lượng của tòa nhà của ông Phạm Hồng Đức đã sản xuất, truyền tải lại ra điện lưới quốc gia hơn 3.000kW.
Đi trước những hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp cũng đã rất vui mừng khi nhìn thấy hiệu quả đầu tư lắp đặt ĐMT áp mái. Đơn cử, trường hợp của Công ty Vũ Hồng Minh (quận Tân Phú) đã lắp 40 tấm pin năng lượng ĐMT trên mái nhà gần một năm nay. Trước khi lắp điện năng lượng mặt trời áp mái, hàng tháng công ty phải chi trả tiền điện hơn 12 triệu đồng, nhưng sau khi lắp, tiền điện giảm 40%. Đại diện công ty cho biết, đang triển khai lắp thêm nhiều tấm pin năng lượng ĐMT để hướng tới giảm tiền điện và quan trọng nữa là góp phần bảo vệ môi trường. Một điểm lợi nữa là tấm pin có lớp cách nhiệt làm cho cả tòa nhà mát hơn.
Sớm gỡ nút thắt cơ chế
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, lũy kế đến tháng 1-2019 đã có 740 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều đăng ký bán ĐMT áp mái cho các công ty điện lực trực thuộc EVNSPC, với tổng công suất lắp đặt là 11.618kWp; tổng sản lượng phát lên lưới đạt gần 1,7 triệu kWh. Theo EVNSPC, Đồng Nai là tỉnh có lượng khách hàng đăng ký bán nhiều nhất với 41 khách hàng, tổng công suất tấm pin là 550,7kWp.
“Thời gian tới, EVNSPT sẽ vận động thêm nhiều khách hàng là các hộ gia đình trên địa bàn các tỉnh/thành phía Nam lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái, nguồn điện dư thừa của các hộ gia đình này sẽ được ngành điện mua lại”, đại diện EVNSPC cho hay. Tuy nhiên, việc thanh toán phần điện dư từ các hộ dân phát ngược lên lưới điện quốc gia hiện vẫn đang đợi hướng dẫn của các bộ/ngành liên quan. Đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cũng cho biết, những công ty, nhà dân khi có nhu cầu lắp pin năng lượng ĐMT áp mái xin liên hệ với công ty điện lực từng quận/huyện, sẽ được chương trình ưu đãi hỗ trợ 10% tổng chi phí lắp đặt. Bên cạnh đó, khách hàng còn được miễn phí lắp đặt công tơ 2 chiều để kiểm soát lượng điện sản xuất, bán điện dư lên lưới điện quốc gia. Đối với trường hợp mua điện lại từ nhà dân, EVNHCMC đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Trên thực tế, lợi ích đầu tư phát triển ĐMT áp mái với vốn đầu tư không quá lớn, lắp đặt nhanh, không tốn diện tích đất, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển nên đang thu hút nhiều doanh nghiệp và hộ dân có điều kiện thực hiện đầu tư như nêu trên. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay đối với ĐMT áp mái là thủ tục pháp lý, thủ tục đấu nối công tơ 2 chiều, cơ chế thanh toán 2 chiều, thuế… chưa được cụ thể hóa. Điều này đang tạo ra lực cản, nghi ngại cho doanh nghiệp cũng như các hộ dân, dù mong muốn mạnh dạn đầu tư nhưng không biết đến khi nào mới thu được nguồn tiền bán phần điện dư cho điện lưới quốc gia. Trước vướng mắc này, EVN cho biết vừa kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt ĐMT áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. Bộ Công thương sớm ban hành quy định cụ thể để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng, cũng như thanh toán tiền điện cho khách hàng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT nói chung và ĐMT áp mái nói riêng sau ngày 30-6-2019.
Bình Định: 1.140 tỷ đồng xây dựng dự án điện mặt trời NGỌC OAI |