Hiệu quả của Cống đập Ba Lai

Hiệu quả của Cống đập Ba Lai

Đến 30-4 –2005, công trình cống đập Ba Lai - thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre (hay còn gọi là dự án ngọt hóa Ba Lai) tròn 2 năm vận hành.

Cống đập Ba Lai

Cống đập Ba Lai

Khởi công ngày 21-7-2000, khánh thành ngày 30-4-2002, cống đập Ba Lai là 1 trong 9 hạng mục của 1 dự án đại thủy nông - Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre - có tổng kinh phí dự toán 1.230 tỉ đồng (8 hạng mục còn lại là: cống kết hợp âu thuyền Bến Tre; cống kết hợp âu thuyền Giao Hòa; cống lấy nước Bến Rớ, Tân Phú; nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai; hệ thống đê ven sông Hàm Luông, đê ven sông Mỹ Tho và công trình dưới đê; hệ thống kênh cấp 1; công trình hỗ trợ: nước sạch nông thôn, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng).

Khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp nước ngọt phục vụ 100.000 ha đất nông nghiệp (thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và một phần thị xã Bến Tre) sản xuất ổn định, tăng gấp đôi sản lượng lương thực toàn vùng vào năm 2010; cung cấp nước sinh hoạt cho 1 triệu cư dân, kiểm soát - chủ động ngăn mặn xâm nhập; chủ động tiêu nước, thay đổi luân phiên lượng nước trong vùng để cải tạo đất, tạo môi trường thông thoáng, vệ sinh đồng ruộng thuận lợi.

Tuy 8 hạng mục còn lại chưa được triển khai để phối hợp đồng bộ; ảnh hưởng của dự án vì thế chưa bao quát trên 134.000 ha nhưng hiệu quả mà cống đập Ba Lai  mang đến với người dân Bến Tre rất rõ nét. Ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết:

Nhờ cống đập Ba Lai, Ba Tri đã ổn định vùng lúa, sản lượng138.000 tấn (2002) tăng lên 164.000 tấn (2004); phân định rõ vùng mặn - ngọt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng nuôi thủy sản ven biển, vùng lúa, rau màu, cây ăn quả (cây ăn quả)…

Nước ngọt đã về với trên 4.000 hộ dân thuộc 13 xã, thị trấn trước đây thường xuyên thiếu trầm trọng nước sinh hoạt (khoảng 6 tháng/năm). Khi có cống đập Ba Lai, chúng tôi nghĩ phải chờ những hạng mục kế tiếp thì mục tiêu “ngăn mặn giữ ngọt” mới đạt được nhưng không ngờ cống đập Ba Lai đã phát huy hiệu quả ngay năm đầu tiên.

Năm 2001 về Tân Xuân, Tân Quý (Ba Tri) tôi gặp những đồng đất  khô khốc mọc đầy cây lức và chà là gai. Bến Tre đất hẹp vậy mà đất có trước mắt lại không sinh sôi nổi những mùa no ấm! Hôm nay trở lại - cũng đất ấy - lúa , mía ngút ngàn. Ở xã Tân Mỹ - nơi người nông dân từng cay đắng với cây mía, cây dừa - thì nay xã có 535 ha mía, 130 ha cây ăn quả, làm lúa 3 vụ và nuôi được cá nước ngọt.

Nông dân Trần Thị Hòa nói: “Nhờ tui… nhát tay mà còn vườn dừa sai trái. Nhiều người chặt bỏ dừa vì không tin cống đập Ba Lai, bây giờ tiếc hùi hụi!”. Chính ở Tân Mỹ nay đã có nhà máy nước công suất 3.880 m3/ngày do tỉnh xây dựng cung cấp nước sạch cho 70.000 dân.

Ở Bình Đại, đất mía từ 844 ha (2001) tăng lên 1.300 ha (2004) và đất vườn  từ 2.312ha (2001) nay đã là 3.104ha… Bình Đại là huyện ven biển, diện tích nuôi tôm sú dẫn đầu Bến Tre nhưng lại nuôi được cả thủy sản nước ngọt quanh năm (153ha) - điều đó phải “ghi công” của cống đập Ba Lai  “kiểm soát - chủ động ngăn mặn xâm nhập”.

Anh Phạm Văn Nhì ở ấp Rạch Gừa - xã Phú Long sôi nổi nói: 2 năm trước mần lúa rầu lắm, đất bán 50.000đ/công không ai thèm lượm. Bây giờ 15-25 triệu/công. Mía 70tấn/ha; lúa 10tấn/2vụ/năm. Năng suất đó với nơi khác là bình thường nhưng với Phú Long là đột phá! Phú Long đã ngọt hóa được 70%, 30% còn lại sản xuất kém phát triển.

Bà con kiến nghị xã và huyện cho phép góp 100% kinh phí làm cống đập đưa nước ngọt qua đê Tây về 200ha đất lúa của 120 hộ ấp Rạch Gừa. Mỗi hộ chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu mà thu về 50 triệu ngay trong năm 2005 này.

Bị xâm nhập mặn hằng năm, đời sống của nông dân vùng Bắc Bến Tre khó khăn gay gắt, thu nhập vào hàng thấp nhất ĐBSCL. Dự án chưa hoàn thành trọn vẹn, lợi ích chưa với tới 100% hộ dân trong vùng dự án - đó là một sự thật; song chỉ 1 công trình cống đập Ba Lai qua 2 năm vận hành đã góp phần tích cực vào quá trình quy hoạch - chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tác động tích cực đến sản xuất và đời sống của hàng chục vạn người dân cũng là một sự thật!

Bởi vậy, người Bến Tre tin đây là công trình “thủy lợi” (chứ không phải là “thủy hại”) và họ mong đợi những hạng mục tiếp theo của dự án được mau chóng triển khai.

NGUYỄN THỊ KỲ

Tin cùng chuyên mục