Cánh đồng ở tổ 5, phường Yên Thế (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) từng được biết đến là vựa cà phê lớn, nhưng 2 năm qua, nhiều diện tích cà phê già cỗi đã được chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại rau và chanh dây. Do được chăm sóc bằng công nghệ tưới tiết kiệm nên rau và chanh dây phát triển tốt tươi. Gia đình anh Trần Văn Toàn (xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) trồng 5 sào rau trên diện tích chuyển đổi từ cà phê già cỗi, mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí…
Ngược về huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, cho biết, trong những năm qua, trên địa bàn huyện cũng đã chuyển đổi khoảng 2.000ha tiêu bị ngập úng, dịch bệnh và cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng chanh dây, sầu riêng. Nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý mà người dân thu lợi lớn, giá trị đất trên mỗi hécta tăng lên đáng kể. Đơn cử như mỗi hécta sầu riêng thu được khoảng 500 triệu đồng/năm, trong khi cà phê chỉ được 50-70 triệu đồng/năm.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016-2022, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi hơn 41.500ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Nhìn chung, các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2-5 lần so với trước khi thực hiện chuyển đổi. Trong đó, một số mô hình chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao như: trồng chanh dây với lợi nhuận có nơi 400-500 triệu đồng/ha; trồng khoai lang với lợi nhuận 130-145 triệu đồng/vụ; chuối Nam Mỹ với lợi nhuận 380-400 triệu/ha…
Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, đơn vị vừa phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu giai đoạn 2023-2025, địa phương chuyển đổi hơn 58.500ha cây trồng kém hiệu quả.
Trong khi đó, tại Kon Tum, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao là chủ trương lớn nằm trong nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong 5 năm qua, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 2.500ha sang trồng các loại cây như sầu riêng, bơ, mít Thái, chuối, chanh dây, mắc ca. Cây trồng sau chuyển đổi đã đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước khi chuyển đổi, đáp ứng hiệu quả về môi trường và xã hội.
Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), biến đổi khí hậu hiện mang tính bất thường và khó dự đoán. Theo xu hướng chung, đối với Tây Nguyên, mùa khô sẽ khắc nghiệt hơn, còn mùa mưa thì mưa nhiều và không theo mùa vụ. Việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao thích ứng biến đổi khí hậu là việc mà các tỉnh Tây Nguyên nên làm để nâng cao giá trị đất, nhưng cần hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội.
Tiến sĩ Phan Việt Hà lưu ý, khi chuyển đổi, cần ưu tiên cây trồng bản địa, có giá trị kinh tế, thích hợp điều kiện canh tác, sinh thái và cơ cấu cây trồng địa phương. Khi chuyển đổi cần tính toán đầu ra, có sự liên kết để bao tiêu sản phẩm.