Mấy ngày qua, các hoạt động hóa trang kinh dị với những lớp mặt nạ, trang phục ghê rợn không giống ai, thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam tham gia. Thế nhưng phần lớn những bạn trẻ đó không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lễ hội này. Halloween có nguồn gốc từ phương Tây, tổ chức vào ngày 31-10 hàng năm, dành để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các vị thánh, các vị tử vì đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời. Trọng tâm theo truyền thống của Halloween xoay quanh chủ đề “sử dụng sự hài hước và chế giễu để đối đầu với cái chết”.
Những hoạt động và ý nghĩa lễ hội này hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt Nam, nhưng với không ít bạn trẻ, nó trở thành xu hướng không thể bỏ lỡ. Tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) cuối tuần qua, màn “chơi lớn” của nhóm bạn trẻ dựng cảnh một vụ tai nạn giao thông có người chết phải đắp chiếu, thu hút đám đông tò mò vây quanh. Đến khi cơ quan chức năng nhắc nhở, bạn trẻ hóa trang người chết đang đắp chiếu dứng dậy, thì đám đông mới giải tán.
Đáng nói hơn, chính môi trường giáo dục, thay vì định hướng người trẻ trở thành người hữu ích, lại trở thành nơi để “hoạt động ma quỷ” thỏa sức… sáng tạo. Trường THPT N.D. (quận 10, TPHCM) đêm 29-10 tưng bừng các tiết mục văn nghệ với điểm nhấn là dạ hội hóa trang để học sinh “vui chơi” trong những bộ đồ “đẫm máu”. Đây cũng là lễ hội Halloween lần thứ 6 được tổ chức tại trường và số tiền tổ chức phải tính đến mức cả trăm triệu đồng vì sự xuất hiện của dàn âm thanh “khủng” cùng nhiều ca sĩ đang ăn khách trên thị trường giải trí. Hay tại Trường THCS và THPT N.T.T. (tỉnh Hà Nam) cũng rộn ràng trình diễn hóa trang với áo khoác, nón phù thủy, mặt nạ ma quái… trên những khuôn mặt non nớt, thơ ngây. Ở nhiều trường học khác, phụ huynh còn được vận động đóng tiền để tổ chức cho con em mình hóa trang dọa ma, dọa khỉ…
Hưởng ứng làn sóng văn hóa, lễ hội từ nước ngoài là quy luật chung của quá trình hội nhập quốc tế, tuy nhiên tiếp nhận và ứng biến như thế nào để phù hợp với bản sắc nội tại của chính mình mới là điều quan trọng. Chính vì quá gần với bên ngoài, đôi khi lại quên mất bản sắc bên trong, mà ví dụ cụ thể nhất chính là làn sóng hưởng ứng lễ hội Halloween vô tội vạ, hay nỗi niềm học sinh chán môn lịch sử, vẫn luôn nhức nhối… Tiếp biến văn hóa hay mối lo xa hơn là chiếm dụng văn hóa trở thành vấn đề được quan tâm trong chiến lược phát triển của các quốc gia khi hội nhập toàn cầu. Văn hóa như cơn mưa dầm mà rất lâu sau đó người ta mới “thấm được”.
Việc tiếp thu văn hóa hay kiến thức từ bên ngoài cũng là một cách để chúng ta đẩy nhanh quá trình phát triển, tiếp cận nhiều cái hay, cái mới trên thế giới. Nhưng tiếp thu cũng cần bản lĩnh để nhìn nhận, lựa chọn và ứng biến phù hợp với bản sắc nguồn cội, văn hóa truyền thống của chính mình. Và bản lĩnh này cần sự chung tay xây dựng từ nhiều phía, nhất là đối với người trẻ, cần hiểu, biết và tự hào văn hóa của chính mình trước khi chạy theo những làn sóng từ bên ngoài.