E ngại tiêm mũi nhắc lại
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, TPHCM và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Cụ thể, Hà Nội với tổng số hơn 17 triệu mũi tiêm/hơn 12 triệu dân và TPHCM với 21,1 triệu mũi tiêm/14,6 triệu dân.
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, sau 1 tuần phát động triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine Covid-19 (từ ngày 14-6 đến 21-6), số lượng người dân tiêm chủng tăng mạnh. Đặc biệt, số lượng điểm tiêm và số bàn tiêm đều tăng cao. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm được hơn 21 triệu mũi (bao gồm 8.470.275 mũi 1; 7.514.261 mũi 2; 684.615 mũi bổ sung; 4.295.112 mũi nhắc lần 1; 132.803 mũi nhắc lần 2). Nếu tính riêng cho người từ 18 tuổi trở lên thì tổng số mũi đã tiêm là 19.205.725 mũi, bao gồm 7.399.067 mũi 1; 6.694.128 mũi 2; 684.615 mũi bổ sung; 4.295.112 mũi nhắc lần 1, 132.803 mũi nhắc lần 2.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, do số lượng người mắc Covid-19 tăng cao thời gian qua, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3 nên có sự trì hoãn tiêm chủng. Đồng thời, một bộ phận người dân đã tiêm 2 mũi vaccine, sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì chủ quan cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 và 4 ở các địa phương đạt thấp còn có việc thiếu thông tin rõ ràng về tác dụng phụ của vaccine, công tác truyền thông dịch bệnh thời gian qua giảm đi. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại như bình thường; số ca nhiễm trên địa bàn rất ít, triệu chứng nhẹ, đa phần người dân tự điều trị khỏi; ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa học sinh đã nghỉ hè nên việc vận động học sinh tiêm vaccine gặp khó khăn.
“Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc Covid-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em, mặc dù các triệu chứng của Covid-19 nhẹ hơn so với người lớn nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19”. Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi đó, hiệu lực của vaccine giảm theo thời gian nên để duy trì hiệu quả bảo vệ, phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc, nhưng ngành y tế khuyến khích tiêm vaccine đối với tất cả người dân.
Hiệu quả của vaccine mất dần theo thời gian
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vaccine Covid-19 có miễn dịch không bền vững, sau khoảng 4-6 tháng miễn dịch sẽ giảm. Bên cạnh đó, người đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Trong khi đó, virus gây bệnh liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Vì vậy, việc tiêm mũi 3, mũi 4 là rất cần thiết để phòng bệnh.
Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để tăng độ an toàn trước dịch bệnh, đặc biệt cho những người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi thì cần tiêm mũi 3 kịp thời. Thực tế đã có nhiều người tiêm mũi 2 nhưng khi mắc Covid-19 vẫn chuyển nặng, còn người dân tiêm 3 mũi thì tỷ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp. Những người suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine mũi 4. Hơn nữa, nếu số đông người dân trì hoãn tiêm mũi 3 thì sẽ có nhiều người không được bảo vệ bởi vaccine; đồng thời, một lượng vaccine không được sử dụng sẽ hết hạn, gây lãng phí lớn.