Xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật, phụ nữ vô tình để mình trở thành nạn nhân nạn bạo hành và có hành vi sai trái đối với trẻ nhỏ. TPHCM đang thực hiện xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em, ngoài tạo môi trường sống tốt, công tác tuyên truyền pháp luật đến phụ nữ cần được đẩy mạnh nhiều hơn nữa.
Đa dạng cách tuyên truyền luật
Hẹn gặp bà Nguyễn Bích Thủy tại nhà, nơi đặt tổ địa chỉ tin cậy cộng đồng phường 14, quận Gò Vấp (TPHCM), nhưng hơn 30 phút sau bà mới về đến. Bà xin lỗi rồi bảo: “Vì con bé cứ khóc mãi, nhưng sau thì hiểu rồi, nói sẽ thay đổi bản thân để chồng không có cơ hội đánh mình”.
Ở khu phố 4 này, không ai không biết bà, bởi bà luôn “để ý” xem có chị em nào bị bạo hành để mà tìm đến hỗ trợ. Rồi để giúp chị em hiểu luật mà tự bảo vệ bản thân, ngoài các buổi tọa đàm, tập huấn, bà đến gặp từng chị em để hiểu tâm tư, nguyện vọng và sẵn đó nói về luật để chị em hiểu. Bà xem đây là cách để chị em thấm luật dần dần.
Xuất thân từ lao động nghèo, từng bị chồng bạo hành, bà Thủy hiểu chị em phải lo làm lụng kiếm tiền, đâu có thời gian đến các buổi sinh hoạt nên kiến thức về pháp luật ít. Vậy là bà tìm đến nhà, ra sạp rau, cá ở chợ để tỷ tê trò chuyện những lúc họ rảnh rỗi. Nhờ cách ấy, bà giúp nhiều chị hiểu về giá trị bản thân, biết lên tiếng bảo vệ mình và các con khỏi những trận đòn của chồng.
“Lấy chồng, ai cũng muốn được hạnh phúc. Rồi vì tâm lý nhịn nhục, ngại bà con lối xóm cười khi biết mình bị chồng đánh và nghĩ không có ai giúp đỡ nên cứ nín nhịn. Điều này vô tình ảnh hưởng đến con cái và tiếp tay nạn bạo hành. Tôi chỉ giúp chị em khẳng định giá trị bản thân, có thêm kiến thức để đấu tranh cho mình” - bà Thủy chia sẻ.
Nhờ sự tận tâm của mình, bà Thủy gần gũi, hỗ trợ và giúp nhiều chị em hiểu luật, có công ăn việc làm và vươn lên làm chủ bản thân.
Sự đồng thuận vợ chồng và hiểu biết pháp luật giúp phụ nữ hạnh phúc, làm chủ bản thân
Khi tuyên truyền luật cho hội viên, phụ nữ, bà nguyễn Thị Hoa, Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 7, phường 13 (quận Tân Bình, TPHCM) sợ nói suông nhiều chị em không nhớ, vậy là bà đưa ra các chương trình thi thố với nhiều cách đa dạng để chị em vừa học vừa chơi. Ấy thế mà thành công. Sau các hội thi, mỗi người đều có phần quà nhỏ cầm trên tay cùng kha khá kiến thức về luật để ứng xử trong cuộc sống gia đình và với bà con hàng xóm.
Còn ở khu nhà trọ của bà Lê Thị Thanh Hoa (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM), nam nữ công nhân đều ít nhiều hiểu biết luật để bảo vệ quyền lợi bản thân trước chủ cũng như tránh việc vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” thì bạo hành nhau. Với nụ cười luôn nở trên môi, bà hoa luôn có mặt khi nữ công nhân trong khu trọ cần để nhờ tư vấn về luật hôn nhân hay lao động. Lâu lâu, bà lại tổ chức tiệc để công nhân khu trọ quây quần ăn bữa cơm, trò chuyện với nhau, và bà xem đây là dịp để gắn kết tình cảm mọi người cũng như để bà chỉ bảo cách sống chan hòa, đúng luật cho công nhân.
Xây dựng môi trường sống thân thiện
Để đưa kiến thức pháp luật đến hội viên, phụ nữ, thông qua ngày Phụ nữ và Pháp luật được tổ chức định kỳ hàng quý, tổ tư vấn cộng đồng và hoạt động hòa giải, tư vấn pháp luật tại các cơ sở Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã tuyên truyền các bộ luật, chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em; tư vấn pháp luật miễn phí… đến hội viên, phụ nữ.
Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền pháp luật là Hội đã chú trọng hơn trong đối tượng nữ công nhân lao động nhập cư. Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú, nhà trọ” đã giúp trang bị cho nữ công nhân, lao động khu lưu trú, nhà trọ kiến thức pháp luật, các kỹ năng cần thiết để hội nhập với đời sống đô thị, góp phần xây dựng khu nhà trọ văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong năm 2017, Hội đã tổ chức 30 cuộc tuyên truyền tại phường Tân Tạo A và Bình Trị Đông B; xây dựng 50.000 tài liệu tuyên truyền trong nữ công nhân lao động nhập cư.
Thực tế tại nhiều nơi, trong các gia đình vẫn diễn ra tình trạng chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con, nhưng người phụ nữ lại im lặng. Sự im lặng của người vợ vô tình đã làm thỏa mãn bản tính bạo lực hung hăng của người chồng. Hệ quả là người vợ phải chịu những trận đòn ngày càng độc địa, thậm chí dã man hơn. Theo các chuyên gia tâm lý, để phòng tránh bạo lực gia đình thì việc quan trọng đầu tiên là mỗi phụ nữ phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về pháp luật, về quyền cá nhân. Sẵn sàng lên tiếng, bảo vệ bản thân và những phụ nữ khác.
Trong lần gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với phụ nữ, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, mong muốn có được môi trường sống tốt, một thành phố thật sự an toàn, thân thiện trong tương lai là tâm huyết của lãnh đạo thành phố và người dân. Do vậy, việc xây dựng TPHCM trở thành thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em là đề án nhân văn, phải được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay, góp sức gấp rút thực hiện.