Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý 1-2019 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018 và lý do được nhìn nhận là nhờ CPTPP. Theo đó, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, trong 11 nước thành viên CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với 7 nước; trong đó 4 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada, Mexico… kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối khá, lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước. Mặc dù có được những hưởng lợi bước đầu khi tham gia vào CPTPP, song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều DN Việt Nam khi bước ra thương trường quốc tế rất chủ quan trong khâu soạn thảo, giao kết hợp đồng và không nhận thức rõ về các vấn đề như bản chất hàng hóa, nhãn hiệu, nhượng quyền, sở hữu trí tuệ... dẫn đến gặp bất lợi trước đối tác nước ngoài và bị thiệt hại nặng. Mặt khác, phần lớn năng lực của DN trong nước còn yếu cả về vốn và công nghệ, nhất là DN nhỏ và vừa. Chính vì vậy, ngay cả khi DN chuẩn bị từ trước nhưng vẫn khó có thể đáp ứng được những yêu cầu khi tham gia vào sân chơi này. Bên cạnh đó, nhiều DN ngại thay đổi và nhận thấy khó đáp ứng được những quy định nên còn thờ ơ với CPTPP. Bộ Công thương nhận định, hiện có trên 86% DN biết đến CPTPP qua các phương tiện truyền thông đại chúng và đó là chưa đủ. Các DN dường như chưa thực sự sẵn sàng cho hội nhập quốc tế, chưa hiểu cam kết CPTPP sẽ tác động thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó với quy định khắt khe về nguồn gốc xuất xứ cũng khiến không ít DN các ngành nghề như dệt may, da giày gặp khó về nguồn nguyên liệu. Đại diện Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam cho rằng CPTPP có hiệu lực đồng nghĩa với việc các DN tham gia phải đáp ứng những cam kết về xuất xứ và chất lượng. Trong khi DN Việt Nam có trình độ công nghệ gần như xếp ở hàng thấp nhất nên sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất cao. Chính vì vậy, nhiều DN nhỏ và vừa đã không thực sự sẵn sàng để tham gia vào sân chơi mới này.
Trên thực tế, CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại, cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt, các thông tin về ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng trong nước đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. DN cũng nên thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên. Song song đó, các DN nên chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.