Trao đổi với PV Báo SGGP vào tối 18-4, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết đến khoảng 20 giờ thì đơn vị chức năng đã kiểm soát được tình hình phức tạp xảy ra tại thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ).
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Đến chiều cùng ngày (18-4), rất đông người dân kéo lên QL1, lực lượng chức năng cố gắng kiểm soát, giải tán đám đông để không ảnh hưởng đến lưu thông trên tuyến đường này. Cơ quan chức năng đã vận động, yêu cầu bà con trở về nhà, không làm mất an ninh trật tự nhưng tình hình rất phức tạp. Đến 19 giờ, người dân đã bắt đầu giải tán, không còn tụ tập đông”.
Theo ông Dũng, sáng cùng ngày, Công ty CP Năng lượng tái tạo và môi trường Việt Nam tiến hành tập kết phương tiện để lắp đặt cột quan trắc gió tại xã Mỹ An (Phù Mỹ). Đây là bước chuẩn bị để triển khai dự án điện gió do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư.
Đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày (18-4), khi đơn vị chức trách đưa phương tiện, máy móc để triển khai thi công, lắp đặt cột quan trắc gió thì có một số người cho rằng đơn vị thi công chặt phá rừng phòng hộ để khai thác titan, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên đến ngăn cản (?)
Ban đầu thì chỉ có một nhóm người tại 2 xã Mỹ Thọ và Mỹ An ra ngăn cản, nhưng càng lúc người dân kéo đến càng đông và gây cản trở, khó khăn cho đơn vị thi công. “Có khoảng 200 đến 300 người dân kéo đến để ngăn cản. Buổi chiều, mục đích của người dân là tiếp tục kéo lên QL1 để ngăn cản, phản đối”, ông Dũng cho biết.
"Nhiều người còn có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ một số người có quá khích, hành vi phạm pháp để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau đó rất nhiều người dân kéo lên thị trấn Bình Dương để chặn QL1, gây áp lực, buộc thả những người này”, ông Dũng thông tin.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, trước đó, cách thời điểm triển khai dự án khoảng 1 tháng, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về dự án.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, trước đây, tại những bãi cát, người dân tại 2 xã Mỹ An, Mỹ Thọ đã xây dựng, trồng lên những rừng dương để chắn gió, chắn bão cát. Sau này, thời kỳ rộ lên việc các doanh nghiệp đổ xô khai thác titan, có nhiều doanh nghiệp được giao đất, đem máy móc phương tiện đến chọc rút dưới cát để moi titan, thậm chí phá rừng dương của người dân. Sau đó, một số doanh nghiệp bỏ đi không chịu hoàn thổ, trồng rừng, đã gây tác động ghê gớm, làm đảo lộn đời sống của người dân. Người dân bị tổn thương, mâu thuẫn đẩy lên thành cao trào, xung đột, mất lòng tin trước các hoạt động khai thác diễn ra tại địa phương.