Thật mừng là lãnh đạo Quốc hội đã quyết định việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành văn bản giải thích vấn đề này, “để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm nhất”, như đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Thực tế, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với nhu cầu rất chính đáng và ngày càng mạnh mẽ hơn là ban hành các điều luật rõ ràng, thống nhất và minh bạch. Giải thích pháp luật là một công cụ đảm bảo tính minh bạch đó.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thẩm quyền giải thích pháp luật không được trao cho Tòa án, mà được trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Dễ dàng thấy, để hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần được làm thường xuyên, không chỉ ở cấp độ luật, mà cả với “rừng” văn bản dưới luật.
Bên cạnh đó và có lẽ còn quan trọng hơn, là quan điểm, cách nhìn, phương pháp luận rà soát để có được hệ quy chuẩn chính xác nhất khi đánh giá một văn bản là hợp lý hay không hợp lý. Cũng quan trọng không kém là sự sâu sát thực tiễn và tương tác hiệu quả giữa người chịu trách nhiệm rà soát với các đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, bao gồm cả các cấp ngành, cơ quan quản lý nhà nước lẫn các doanh nghiệp và người dân.
Cuối cùng, việc giải thích pháp luật cũng chưa phải là giải pháp căn cơ. Mục tiêu cao nhất cần hướng đến vẫn là những văn bản pháp luật tường minh để... muốn hiểu sai cũng không được.